Sáp nhập trường, điểm trường: Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Hằng Nga 08:45, 21/03/2023

Chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non (MN), phổ thông, thu gọn các điểm trường trên địa bàn tỉnh đang được các địa phương nỗ lực rà soát, thực hiện. Việc sắp xếp, từng bước tinh gọn các điểm, trường lớp học, ngoài mục tiêu gọn bộ máy hành chính trong ngành Giáo dục, còn đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT).

Việc thu gọn các điểm trường lẻ về điểm trường chính đảm bảo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc thu gọn các điểm trường lẻ về điểm trường chính đảm bảo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2022-2023, điểm trường Khuôn Ruộng, thuộc xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai), được thu gọn, sáp nhập về điểm trường chính của Trường Tiểu học Đông Bo. Trước khi sáp nhập, nhiều phụ huynh băn khoăn về khoảng cách đưa con đến trường gần 2km. Tuy nhiên, sau hơn một học kỳ con học tập ở trường chính, nhiều phụ huynh học sinh (HS) rất phấn khởi.

Anh Triệu Văn Đại, phụ huynh của em Triệu Văn Đức, lớp 3, cho rằng: Về trường chính, các cháu có môi trường học tập tốt hơn, vì ở điểm lẻ không có phòng học chức năng như: Tin học, thư viện, phòng nhạc, họa. Năm học 2022-2023 là năm cháu học theo sách của Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi so với sách cũ.

Đúng như phản ánh của phụ huynh, điểm trường Khuôn Ruộng ngoài 3 phòng học thì diện tích sân chơi hẹp, muốn tổ chức các hoạt động rất khó khăn. Điểm trường này có 3 lớp từ lớp 1 đến lớp 3, tỷ lệ HS trên lớp thấp, trung bình 8,7 em/lớp. Chủ trương sáp nhập điểm trường về trường chính được giáo viên và nhiều phụ huynh ủng hộ.

Trường Tiểu học Đông Bo có 3 điểm trường lẻ ở các xóm Hợp Nhất (3 lớp), Là Bo (3 lớp) và Chòi Hồng (5 lớp). Đầu năm học 2022-2023, Nhà trường thu gọn 2 điểm trường ở Hợp Nhất và Là Bo về điểm trường chính, đã giảm được 3 lớp, số HS trên lớp tăng từ 17,2 HS/lớp, lên 20,6 HS/lớp, thấp hơn so với quy định khối tiểu học (tối đa 35 HS/lớp).

Theo cô giáo Vũ Thị Hồng, Hiệu trưởng Nhà trường: Việc thu gọn điểm trường đã góp phần giảm 4 biên chế; giáo viên thuận lợi hơn trong việc tổ chức các hoạt động dạy học khi thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đối với HS, các em được tiếp cận đầy đủ với các trang thiết bị phục vụ học tập.

Năm học 2022-2023, 2 điểm lẻ ở xóm Hợp Nhất và Là Bo được sáp nhập về điểm trường chính Trường Tiểu học Đông Bo (xã Tràng Xá, Võ Nhai), tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia các hoạt động học tập.
Năm học 2022-2023, 2 điểm lẻ ở xóm Hợp Nhất và Là Bo được sáp nhập về điểm trường chính Trường Tiểu học Đông Bo (xã Tràng Xá, Võ Nhai), tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tham gia các hoạt động học tập.

Không riêng Trường Tiểu học Đông Bo, năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Dân Tiến 1 (Võ Nhai) đã sáp nhập điểm trường Làng Chẽ (3 lớp học) về trường chính, còn điểm trường Đồng Vòi, cách trường chính khoảng 11km, HS được chuyển sang Trường Tiểu học Bình Long 1.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân Tiến 1: Thu gọn điểm trường lẻ về trường chính, Nhà trường sẽ thuận lợi trong công tác quản lý, nhất là về chuyên môn. Tuy nhiên, do còn thiếu các phòng học nên Nhà trường đã sắp xếp lại các phòng bộ môn để đảm bảo hoạt động giáo dục theo yêu cầu. Nhà trường mong muốn cấp trên đầu tư về cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học.

Đối với huyện Đại Từ, việc chỉ đạo sáp nhập, thu gọn các điểm trường được thực hiện rất quyết liệt. Năm học 2021-2022, huyện đã tổ chức sáp nhập 4 trường thành 2 trường là: Tiểu học Vạn Thọ sáp nhập với THCS Vạn Thọ thành TH&THCS Vạn Thọ; Tiểu học An Khánh sáp nhập với THCS An Khánh thành TH&THCS An Khánh.

Năm học 2022-2023, Đại Từ tiếp tục sáp nhập 4 trường tiểu học với THCS tại các xã Phục Linh, Tân Thái, Quân Chu, Minh Tiến thành trường liên cấp tiểu học và THCS. Đồng thời thu gọn điểm trường của Trường Mầm non xã Phúc Lương và Trường mầm non thị trấn Quân Chu (giảm 2 điểm trường so với năm 2021).

Mặt khác, để thực hiện Chương trình GDPT 2018, huyện quyết định chuyển các lớp 1,2,3 điểm Lũng của Trường Tiểu học Phú Lạc; lớp 3 điểm Chiểm của Trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái từ điểm lẻ ra điểm trường chính.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đại Từ, khẳng định: Việc thu gọn, sáp nhập các trường, lớp đã phát huy tốt công năng cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giảng dạy, học tập của thầy và trò các nhà trường. Đồng thời cũng tập trung nguồn lực của Nhà nước và nhân dân trong việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học. Về đội ngũ, năm 2022 sau sáp nhập đã giảm được 11 biên chế. Đặc biệt là đã khắc phục được những bất cập trong phân công giáo viên vừa thừa với bộ môn ít tiết dạy vẫn phải bố trí giáo viên nhưng không dạy hết định mức 19 tiết/tuần với trường THCS và 23 tiết/tuần đối với trường tiểu học; vừa thiếu giáo viên do chính sách tinh giản biên chế. Phát huy hiệu quả đội ngũ giáo viên, nhân viên, nhất là các môn chuyên: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục, tiếng Anh, Công nghệ…

Trong những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các địa phương rà soát, quy hoạch, từng bước thu gọn các điểm trường, sắp xếp tổ chức lại ở nơi có đủ điều kiện để hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tổng số trường sáp nhập từ năm 2018 đến tháng 2-2023 trên toàn tỉnh là 44 trường. Cả tỉnh có 324 điểm trường lẻ (mầm non 186 điểm lẻ; tiểu học 136 điểm lẻ; THCS 2 điểm lẻ), giảm 14 điểm trường so với năm học 2021-2022.

Hiện, toàn ngành Giáo dục và các địa phương đang tiếp tục rà soát để sắp xếp thu gọn các điểm trường lẻ, sáp nhập một số trường trên cùng địa bàn. Tuy nhiên, để việc sắp xếp, thu gọn các điểm trường đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, ngành Giáo dục và các địa phương cần tính toán lộ trình, thời điểm, đặc biệt là tiếp tục huy động các nguồn lực để mở rộng trường ở những nơi có điều kiện; đầu tư xây dựng các phòng học để giữ chuẩn và nâng chuẩn.