Học sinh vô cảm trước cái xấu, cái ác - vấn đề rất đáng lo

Hằng Nga 09:45, 11/04/2023

Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường tại một số trường học trong tỉnh. Vấn nạn này khiến nhiều người thấy bất an, đặc biệt là về sự thờ ơ, vô cảm của nhiều học sinh (HS) khi chứng kiến sự việc.

Việc hình thành các câu lạc bộ theo sở thích trong trường học giúp HS được tham gia những hoat động bổ ích, giúp hình thành nhân cách tốt. Trong ảnh: Câu lạc bộ Nắng của nhóm HS Trường THPT Chuyên Thái Nguyên thực hiện các video clip.
Việc hình thành các câu lạc bộ theo sở thích trong trường học giúp HS được tham gia những hoạt động lành mạnh, bổ ích, từ đó góp phần hình thành nhân cách tốt. Trong ảnh: Câu lạc bộ Nắng của nhóm HS Trường THPT Chuyên Thái Nguyên thực hiện các video clip.

Vô cảm tiếp tay cho bạo lực học đường

Xem clip vụ 2 HS của 1 trường THCS trên địa bàn TP. Thái Nguyên đánh nhau tại lớp gần đây điều khiến chúng tôi băn khoăn, nhất là khi sự việc diễn ra có nhiều bạn trong lớp chứng kiến nhưng không thấy ai vào can ngăn, thậm chí còn có tiếng cổ vũ thêm, dùng điện thoại quay lại sự việc, chia sẻ trên nhóm Zalo của lớp.

Tìm hiểu sự việc chúng tôi được biết, 2 HS nam có mâu thuẫn ở lớp học thêm. Mâu thuẫn tăng lên khi cả 2 nhắn tin chửi nhau trên Facebook và sự việc đẩy lên đỉnh điểm là đánh nhau tại lớp học. Điều đáng nói là vụ việc diễn ra ngay trước giờ học buổi chiều, khi đó đã có khá đông HS đến lớp nhưng khi thấy bạn đánh nhau, không ai vào can ngăn.

Trước đó, đầu năm học tại 1 trường THCS ở TP. Phổ Yên cũng xảy ra vụ “hỗn chiến” của nhóm HS nữ. Nguyên nhân vụ việc chỉ vì cho rằng bạn nhìn đểu mình, sau khi tan học, nhóm 3 HS nữ đã đánh 1 bạn nữ ngay trong lớp. HS nữ bị đánh chỉ biết ôm mặt, quỳ gối trên sàn lớp học chịu trận trước những cú đấm, đá của nhóm HS nữ. Nhiều HS thấy bạn bị đánh nhưng thờ ơ, vô cảm không can ngăn, thậm chí còn quay video để chia sẻ. Sau khi bị bạn đánh, bản thân em HS này và các HS khác chứng kiến đã giấu toàn bộ sự việc, không báo cáo Nhà trường, gia đình và vẫn đi học bình thường.

Từ những vụ việc trên có thể thấy nhiều HS ngày càng vô cảm trước những nỗi đau của người khác, không hề phẫn nộ trước cái cái xấu, các ác xảy ra ngay trước mắt. Thậm chí, nhiều HS khi thấy cái tốt cũng không dám thừa nhận, bảo vệ, thấy cái xấu không dám đấu tranh, cho rằng sự việc không liên quan đến bản thân mình.

Và những nguyên nhân

Trao đổi với cán bộ quản lý và giáo viên chủ nhiệm một số trường, chúng tôi nhận thấy ban giám hiệu các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên đã rất nỗ lực trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử cho HS, tổ chức cho HS ký cam kết không vi phạm nội quy, quy chế của trường…

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường vẫn có chiều hướng gia tăng. Không chỉ đánh nhau ở trong trường, có nhiều HS THCS còn gọi các anh, chị học THPT đến để dằn mặt nhóm HS khác; các hành vi nói tục, chửi bậy, xúc phạm giáo viên, hút thuốc lá điện tử… trở nên khá phổ biến trong HS.

Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm sâu sát, nắm được đặc điểm tâm lí của HS, từ đó lựa chọn các biện pháp giáo dục phù hợp, giúp HS dần hoàn thiện về nhân cách là yếu tố quyết định trong giáo dục.
Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cần sâu sát, nắm được đặc điểm tâm lí của HS, từ đó lựa chọn các biện pháp giáo dục phù hợp, giúp HS dần hoàn thiện về nhân cách là yếu tố quyết định trong giáo dục.

Cùng với nhà trường và đội ngũ giáo viên thì các gia đình cũng tìm đủ các biện pháp để phối hợp nhằm giáo dục con em mình. Tuy nhiên, nhiều gia đình cũng tỏ ra bất lực khi con em có thay đổi nhanh chóng về tâm lý lứa tuổi, phá phách không chịu nghe lời bố mẹ, thầy cô…

Về vấn đề này, theo TS. Lê Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Tâm lý học, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, bản thân giáo viên chưa có sự chuẩn bị đối diện với sự thay đổi bất ngờ, nhanh của độ tuổi HS từ bậc tiểu học lên bậc THCS về mặt tâm sinh lý. Mặc dù đã được tập huấn, song kỹ năng tư vấn của một số giáo viên đối với HS khi phát hiện những khó khăn của HS còn hạn chế. Giáo viên phải có đủ khả năng nhận diện được dấu hiệu bất thường của HS (khó khăn), đủ năng lực hiểu được tính cách của HS và có nghiệp vụ mới hỗ trợ HS hiệu quả. Chưa kể, trong xã hội hiện đại, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, ít có sự quan tâm, giáo dục, thậm chí phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường…

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, nhiều người cho rằng có một phần nguyên nhân từ nhà trường. Lâu nay, chúng ta vẫn nói nhiều về việc các trường chỉ quan tâm dạy chữ mà ít chú ý đến giáo dục nhân cách, đạo đức. Thậm chí ngay cả bản thân thầy, cô giáo, không ít người cũng vô cảm với chính HS của mình, không có sự chia sẻ, cảm thông với học trò. Một nguyên nhân nữa là yếu tố xã hội, có những tình huống, sự việc xảy ra, gây mất niềm tin của các em vào cuộc sống, dẫn đến thái độ thờ ơ, vô cảm...

Việc cải hiện tình trạng này là hoàn toàn có thể nếu có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Các nhà trường cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng văn hóa học đường, xác định được hệ giá trị văn hóa cần hình thành ở HS. Cùng với tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên làm công tác chủ nhiệm, bản thân đội ngũ giáo viên cần sâu sát, nắm được đặc điểm tâm lý của HS phổ thông, từ đó nhận diện những vấn đề tích cực và tiêu cực của HS, để lựa chọn các biện pháp giáo dục phù hợp, giúp HS dần hoàn thiện nhân cách.