Năm học 2023-2024 là năm học thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) đối với cấp THCS. Mặc dù đã triển khai năm thứ 3, song các giáo viên vẫn chưa hết những khó khăn khi dạy môn tích hợp từ nhiều môn học đơn lẻ.
Giờ dạy học môn KHTN lớp 6 tại Trường THCS Trung Lương (Định Hóa). |
Chương trình cũ (2006) ở cấp THCS có 5 môn học riêng biệt: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Chương trình GDPT 2018 yêu cầu tích hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành một môn học là Khoa học tự nhiên (KHTN); tương tự, tích hợp môn Lịch sử, Địa lý thành một môn học là Lịch sử và Địa lý.
Trong quá trình dạy học các môn tích hợp, nhiều nhà trường gặp không ít khó khăn do thừa, thiếu giáo viên giữa các bộ môn. Khó khăn lớn nhất khi dạy môn tích hợp là giáo viên chưa được đào tạo liên môn, trong khi một số nội dung trong bài học lại đòi hỏi kiến thức tổng hợp của các môn học. Vì thế xuất hiện trường hợp có từ 2-3 giáo viên phụ trách một môn học trong chương trình mới.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Động Đạt 1, huyện Phú Lương, chia sẻ: Năm học vừa qua, Nhà trường rất khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu dạy các môn tích hợp. Bởi lẽ, giáo viên chưa được đào tạo dạy liên môn nên ở môn Lịch sử và Địa lý, chúng tôi phải phân công 2 giáo viên đảm nhiệm; 3 giáo viên dạy môn KHTN.
Để đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình GDPT 2018, nhiều giáo viên cấp THCS trong tỉnh đã tham gia học thêm chứng chỉ dạy KHTN. Thầy Nguyễn Thanh Phú, giáo viên Trường THCS Trung Lương, huyện Định Hóa, trước học chuyên ngành Sinh học tại Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Năm học 2023-2024, thầy Phú dạy hợp đồng định mức tại Trường THCS Trung Lương được phân công dạy môn KHTN lớp 6, môn Sinh học lớp 9 và hoạt động trải nghiệm lớp 6. Dịp Hè vừa qua, thầy Phú đã học thêm chứng chỉ dạy môn KHTN tại Đại học Thủ đô theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo thầy Phú: Học chứng chỉ dạy môn KHTN trong thời gian 3 tháng, kiến thức 3 môn Lý, Hóa, Sinh mặt bằng chung đã khó nếu bảo có chứng chỉ về dạy chuyên sâu tốt theo tôi là không thể. Bởi thực tế, để đào tạo giáo viên dạy từng môn phải mất tới 4 năm, trong khi đó học thêm chứng chỉ này trong thời gian quá ngắn. Đối với lớp 6, lượng kiến thức chưa nhiều thì những giáo viên có chứng chỉ này còn đáp ứng được chứ với lớp 7, 8 thì rất khó khăn.
Ngoài dạy trên lớp, trong giờ nghỉ giải lao, nhiều giáo viên còn tranh thủ trao đổi bài để học sinh nắm chắc kiến thức, yêu cầu môn học. |
May mắn đối với Trường THCS Trung Lương là có cô giáo Hoàng Thị Phương Thảo tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Toán - Lý. Năm nay, cô Thảo được phân công dạy môn Toán khối 7, môn Vật lý và Công nghệ lớp 6.
Theo cô Hoàng Thị Phương Thảo: Nếu giáo viên có chứng chỉ KHTN thì có thể dạy môn học này ở khối 6 vì lượng kiến thức ít, chủ yếu ở dạng nhận biết. Còn giáo viên dạy môn KHTN khối 7, 8 nếu không được đào tạo chuyên sâu thì rất khó khăn vì với lượng kiến thức lớn, chuyên ngành mà các thầy cô không nắm vững thì học sinh sẽ thiệt thòi. Tôi đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ giáo viên dạy các môn tích hợp đi học để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Mới đây, tại buổi gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên toàn quốc năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đề cập đến việc dạy môn tích hợp. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng vấn đề dạy học môn tích hợp là điểm nghẽn khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ dự kiến sẽ có một số điều chỉnh về cách dạy.
Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi cũng đã tích cực phối hợp để tháo gỡ khó khăn và dịp Hè vừa qua đã tổ chức tập huấn cho giáo viên. Để đáp ứng yêu cầu truyền tải kiến thức, đòi hỏi mỗi thầy, cô giáo phải từng bước khắc phục khó khăn, sáng tạo trong bài giảng, chủ động tìm hiểu những kiến thức tương đồng để học hỏi, ứng dụng phần mềm tạo hiệu ứng tốt vào giảng dạy.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin