Để học sinh thêm yêu biển đảo quê hương

Quỳnh Trang 09:28, 17/04/2024

Nhiều năm nay, Trường THPT Lương Phú được huyện Phú Bình đánh giá là điểm sáng trong công tác tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo. Nhà trường đã có nhiều cách làm phong phú, sáng tạo nhằm khơi dậy lòng yêu nước, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho giáo viên, học sinh về bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Học sinh Trường THPT Lương Phú tham gia vẽ tranh về biển, đảo Việt Nam.
Học sinh Trường THPT Lương Phú tham gia vẽ tranh về biển, đảo Việt Nam.

Mới đây, chúng tôi có dịp tham dự một chương trình ngoại khóa với chủ đề “Việt Nam và Biển Đông” do Tổ chuyên môn Anh - Sử, Trường THPT Lương Phú, tổ chức. Anh Dương Văn Đạt, Bí thư Đoàn trường, cho biết: Đây là hoạt động ngoại khóa có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng từ nội dung đến hình thức nên được giáo viên và học sinh mong chờ. Nhất là khi học sinh được trực tiếp chuẩn bị, tham gia vào nhiều hoạt động ý nghĩa, bổ ích của buổi ngoại khóa.

Trong chương trình, ban tổ chức đã chiếu nhiều đoạn phim tài liệu “Biển đảo Việt Nam, nguồn cội tự bao đời” để giúp giáo viên và học sinh hiểu được Nhà nước ta đã thực hiện việc xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền trên nhiều vùng biển và hải đảo xa xôi từ lâu đời, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua đó khẳng định Biển Đông đã là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc và mỗi vùng biển đều có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy các hoạt động giao thương quốc tế.

Cùng với việc tích lũy kiến thức qua những đoạn phim tài liệu, học sinh Trường THPT Lương Phú còn được tham gia thuyết trình về những nội dung liên quan đến biển, đảo Việt Nam. Đa số học sinh đều cho thấy sự chuẩn bị chu đáo và những kiến thức, hiểu biết của mình thông qua phần thuyết trình chi tiết, rõ ràng được thể hiện tại sân khấu.

Chương trình cũng nhận được nhiều bức vẽ sinh động về chủ đề “Bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo” của học sinh cùng với những lời giới thiệu, phân tích về mỗi bức tranh một cách đầy đủ, hấp dẫn người nghe.

Hoạt động sôi nổi, được học sinh mong chờ nhất của buổi ngoại khóa là phần giao lưu với khán giả. Đây là phần được diễn ra sau cùng, đa số câu hỏi đều liên quan đến những kiến thức được truyền đạt tại buổi sinh hoạt này.

Qua đó, các thầy, cô giáo có thể biết được học sinh có tập trung khi tham gia ngoại khóa hay không. Sau mỗi câu hỏi được người dẫn chương trình nêu ra, rất nhiều cánh tay đồng loạt giơ lên. Đa số các em đều trả lời tự tin, đúng trọng tâm câu hỏi và nhận được các phần quà từ ban tổ chức.

Em Phương Linh, học sinh lớp 11A5, cho biết: Tham gia buổi ngoại khóa, em đã cùng với cô giáo và các bạn trong lớp tìm hiểu nhiều tài liệu để chuẩn bị cho phần thuyết trình. Do đó, em đã tích lũy thêm cho mình được nhiều kiến thức về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Em mong sẽ được tham gia nhiều buổi ngoại khóa ý nghĩa như thế này.

Trên đây chỉ là một trong số hàng chục buổi ngoại khóa tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam đã được Trường THPT Lương Phú tổ chức trong những năm học vừa qua. Trung bình mỗi năm, Trường xây dựng kế hoạch tổ chức ít nhất 2 buổi tuyên truyền ngoại khóa cho hơn 2.000 lượt giáo viên, học sinh tham gia về nội dung này.

Để tạo sự chủ động, hứng thú cho học sinh, Nhà trường tổ chức các chương trình ngoại khóa theo nguyên tắc “thầy, cô hướng dẫn, gợi ý, cung cấp tư liệu chính thống - trò nghiên cứu, tổ chức phối hợp thực hiện”.

Về nội dung tuyên truyền, trường THPT Lương Phú chú trọng lựa chọn các nội dung theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước về vấn đề chủ quyền biển, đảo. Trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến những cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên Biển Đông; những diễn biến mới về tình hình Biển Đông; quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giải quyết các vấn đề liên quan đến biển đảo, biên giới; các phong trào, cuộc vận động hướng về biển đảo...

Không chỉ thực hiện hiệu quả các buổi hoạt động ngoại khóa, lãnh đạo Trường THPT Lương Phú còn chỉ đạo giáo viên chú trọng giáo dục lồng ghép vào giảng dạy ở một số môn như Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân... Ví dụ như ở môn Địa lý, giáo viên có thể tích hợp các vấn đề về khái niệm mang tính đặc thù của bộ môn như lãnh thổ, lãnh hải để qua đó có thể cung cấp các kiến thức khoa học cho học sinh trong Luật Biển Việt Nam...



Hướng dẫn cách làm reading ielts