Dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay người lao động được nghỉ 4 ngày, dự báo lưu lượng phương tiện sẽ gia tăng lớn ở hầu hết các tuyến đường đô thị các địa phương và trên các lĩnh vực vận tải, vì vậy, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành văn bản yêu cầu các các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) dịp nghỉ lễ.
Các lĩnh vực vận tải sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ Lễ 2/9, xử lý nghiêm vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: TTXVN. |
Chủ động các phương án vận tải hành khách
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp bảo đảm ATGT đối với phương tiện thủy chở khách, nhất là các phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, các tầu cao tốc chở khách; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trên lĩnh vực hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các cảng vụ tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hàng hải, vận tải hành khách từ bờ ra đảo.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo lực lượng Thanh tra đường sắt tăng cường kiểm tra tình hình bảo đảm trật tự ATGT đường sắt tại các khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ (thường xuyên xảy ra tai nạn và gây ùn tắc giao thông) trên địa bàn các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lào Cai, Lạng Sơn...; kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại đường ngang đường sắt.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra tai nạn do chủ quan gây ra; tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đường sắt.
Riêng lĩnh vực hàng không, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các cảng vụ tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn bay, an ninh hàng không và các dịch vụ mặt đất sân bay; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; cung cấp thông tin hướng dẫn người dân đi lại bằng đường hàng không bảo đảm đúng lịch trình, hạn chế số người đón tiễn tại hai đầu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp với diễn biến của dịch bệnh; chủ động các phương án vận tải hàng không tối ưu phục vụ người dân, nhằm hạn chế tối đa tình trạng chậm hủy chuyến trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng chủ động xây dựng phương án tổ chức đưa, đón hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; bố trí nhân lực để bảo đảm an toàn và phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong các ngày cao điểm trước, trong và sau ngày nghỉ lễ; sắp xếp các vị trí cung cấp thông tin để hành khách chủ động trong việc lựa chọn chuyến đi.
Đặc biệt, trên lĩnh vực vận tải đường bộ, dự báo người dân gia tăng sử dụng phương tiện vận tải để di chuyển các hành trình ngắn ngày trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sở GTVT các địa phương tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai kịp thời, thường xuyên kiểm tra công tác phục vụ vận tải, bảo đảm trật tự ATGT; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự ATGT; kịp thời chỉ đạo, phối hợp với ngành Công an giải quyết, khắc phục các sự cố, tai nạn xảy ra phát sinh kịp thời.
Tăng cường kiểm tra chất lượng vận tải qua thiết bị giám sát hành trình
Theo rà soát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay, đa phần các phương tiện vận tải đều đã gắn thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động vận tải; các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm cũng đều có thiết bị camera giám sát tốc độ, đảm bảo công tác truyền dẫn số liệu hành trình về cơ quan Tổng cục 24/24 giờ.
Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục chỉ đạo các Cục quản lý đường bộ tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để bổ sung, điều chỉnh phù hợp, đặc biệt tại các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, các trục chính ra vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm; kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài.
Sở GTVT các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách có trách nhiệm tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh, điều kiện an toàn của phương tiện và người lái trước khi xuất bến; duy trì hoạt động, sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị giám sát hành trình để kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm; đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu TNGT trên các tuyến quốc lộ được ủy thác và các tuyến đường địa phương quản lý, cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra TNGT, kịp thời cứu hộ cứu nạn khi có sự cố.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin