Ưu tiên nguồn lực phát triển mạng lưới cao tốc

Theo hanoimoi.com.vn 14:48, 18/08/2022

Với mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên nhiều nguồn lực, cơ chế đặc thù để đầu tư phát triển đường cao tốc. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan phải phát huy trách nhiệm cao nhất, sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực dành cho các dự án.

Thi công hầm Thung Thi của tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Thi công hầm Thung Thi của tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Còn khó khăn, vướng mắc

Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, cả nước đã hoàn thành được 1.290km đường cao tốc. So với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km, tới năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc, khối lượng công việc vẫn còn khá lớn.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 dài 654km được chia thành 11 dự án thành phần. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15km) đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ đầu năm 2022. Trong năm 2022, chủ đầu tư cơ bản hoàn thành 4 dự án thành phần với chiều dài 361km, bao gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Bốn dự án thành phần với chiều dài 148km dự kiến hoàn thành năm 2023. Hai dự án thành phần với chiều dài 128km, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.

Với 4 dự án phải hoàn thành trong năm 2022, đến thời điểm này khối lượng thực hiện trung bình mới đạt 65,5% giá trị hợp đồng. Bộ Giao thông - Vận tải đang chỉ đạo các nhà thầu tăng cường thi công, bảo đảm tiến độ kế hoạch.

Trong khi đó, các dự án phải hoàn thành năm 2023 và 2024 tiến độ đang cơ bản đáp ứng yêu cầu. Với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729km, hiện Bộ đang chỉ đạo lập thiết kế kỹ thuật, dự toán và các thủ tục liên quan để khởi công trước ngày 31-12-2022.

Ngoài ra, các dự án cao tốc khác như: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (dài 23km), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (dài 117,5km), Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 53,7km), Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (dài 112,8km), Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh (dài 76,34km), Bến Lức - Long Thành (dài 58km)… cũng đang được tập trung triển khai.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Duy Lâm, trong quá trình triển khai, khó khăn, vướng mắc chính làm ảnh hưởng đến tiến độ là khâu giải phóng mặt bằng. Tiếp đến là nguồn vật liệu đắp nền đường. Nhiều dự án quy mô lớn đồng loạt triển khai nên nhu cầu vật liệu lớn trong khi nguồn cung hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác mất nhiều thời gian dẫn đến có thời điểm xuất hiện tình trạng khan hiếm, nâng giá. Ngoài ra, giá nguyên, vật liệu biến động lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu…

Sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực

Để triển khai hiệu quả Dự án, Bộ Giao thông - Vận tải đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm giao kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm vướng mắc về giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu; kiểm soát giá nguyên, nhiên, vật liệu...

“Bộ cũng sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các ban quản lý dự án, nhà thầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các dự án không bảo đảm tiến độ”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên mạnh mẽ về nguồn lực. Tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 đã gấp gần 4 lần so với giai đoạn 2015-2020 (339.000/89.000 tỷ đồng).

Chính phủ cũng cho phép thực hiện cơ chế đặc thù, trong đó có chỉ định thầu nhằm rút ngắn thủ tục đầu tư 1-2 năm; tăng cường phân cấp cho địa phương thực hiện dự án. Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn, việc chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án là rất cần thiết. Từ khâu thiết kế đến thi công có thể giảm 6-8 tháng…

Tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải ngày 10-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan liên quan phát huy trách nhiệm cao nhất, sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực dành cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược; triển khai đồng bộ các giải pháp về nguyên vật liệu cho các dự án; phối hợp chặt chẽ, triển khai các thủ tục đầu tư, lựa chọn tư vấn, nhà thầu vừa bảo đảm chất lượng và tiến độ, vừa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Các địa phương khẩn trương thành lập ban chỉ đạo triển khai các dự án, công trình trọng điểm ngành Giao thông trên địa bàn, phân công công việc rõ ràng, cụ thể…

Với quyết tâm mạnh mẽ, tổng chiều dài các tuyến cao tốc được triển khai và hoàn thành giai đoạn 2021-2025 sẽ gấp gần 4 lần giai đoạn 2015-2020 (1.932/487km cao tốc). Như vậy, ngoài cơ chế, các đơn vị liên quan phải phát huy trách nhiệm cao nhất, sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực dành cho các dự án, để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án cao tốc.


Từ khóa:

Cao tốc

Giao thông - Vận tải