Khi Đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các đơn vị chức năng kiểm tra việc phục vụ hành khách trong dịp Tết Nguyên đán tại một số bến xe trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập đã nêu nghịch lý là các bến xe sạch sẽ, văn minh, an ninh trật tự bảo đảm nhưng lại vắng khách.
Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra một xe khách tại khu vực Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Bảo Khánh |
Nêu ví dụ cụ thể có nhà xe Vân Anh chuyên tuyến Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) - Bến xe phía Bắc (Thanh Hóa) đã sẵn sàng bỏ tới gần 40 nốt tại bến để ra ngoài hoạt động như xe "dù". Ông Nguyễn Văn Lập đặt câu hỏi: “Xe "dù" bến "cóc" sao khó xử lý đến vậy?”.
Đây không phải lần đầu tiên câu hỏi này được nêu ra. Có thể nói, xe "dù", bến "cóc" đang là nỗi nhức nhối đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại Hà Nội và nhiều đô thị lớn. Chỉ cần gọi điện thoại, nhắn tin đặt chỗ, các loại xe mang danh là xe hợp đồng nhưng hoạt động như xe liên tỉnh tuyến cố định, luồn lách mọi đường phố để đón khách theo kiểu “từ cửa đến cửa”. Vì tiện lợi nên loại xe này thu hút khá đông hành khách và hệ quả là gây quá tải lên hạ tầng giao thông, dẫn tới ùn tắc.
Đáng nói hơn, các vi phạm chưa được xử lý quyết liệt, dứt điểm nên càng phát triển và lan rộng. Thực tế, tình trạng này chỉ lắng xuống vào mỗi dịp lực lượng chức năng ra quân, sau đó đâu lại vào đấy. Không cạnh tranh được với xe "dù", bến "cóc" nên nhiều nhà xe cũng đành bỏ bến ra ngoài hoạt động như xe "dù"...
Chẳng lẽ chúng ta bó tay với xe "dù", bến "cóc"? Tại sao không tăng cường áp dụng công nghệ để phạt “nguội”; xử lý, thay thế cán bộ buông lỏng địa bàn? Câu hỏi này xin chuyển đến các cơ quan chức năng và mong sớm sẽ có các biện pháp quyết liệt giải quyết triệt để xe "dù", bến "cóc", bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin