Chiều 28/5, trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công xây dựng Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Lễ khởi công. |
Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang với chiều dài 105km, có tổng mức đầu tư 10 nghìn tỷ đồng được Chính phủ phân cấp cho hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang làm cơ quan chủ quản, thực hiện theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đây là một dự án có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía bắc nói chung và hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang nói riêng (đây là nội dung cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức khởi công dự án. |
Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang là dự án giao thông nhóm A, nằm trong quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phân cấp cho UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt dự án đầu tư; được giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên của tỉnh Hà Giang, với quy mô đầu tư lớn, tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp. Dự án có tổng chiều dài tuyến gần 27,5km, điểm đầu nối tiếp đoạn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang, tại cuối cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang (Hà Giang), điểm cuối tại Km27+480, địa phận xã Tân Quang, huyện Bắc Quang.
Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp với tổng giá dự toán hơn 2.582 tỷ đồng. Trong đó, nhà thầu VINACONEX là đơn vị trúng thầu thi công gói thầu 03-XL có tổng giá trị xây lắp gần 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 30 tháng. Gói thầu có lý trình Km0-Km12+500 đi qua địa phận thị trấn Vĩnh Tuy và 3 xã Vĩnh Hảo, Hùng An, Quang Minh.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành hành lang phát triển kinh tế từ thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng, theo cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết giữa Hà Giang-Tuyên Quang, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Dự án càng có ý nghĩa hơn khi góp phần giải quyết một trong những điểm nghẽn lớn của Hà Giang, đó là hạ tầng giao thông. Giao thông càng thuận lợi, Hà Giang càng phát huy tốt hơn tiềm năng, lợi thế của mình, có nhiều cơ hội, điều kiện hơn để phát triển nhanh, bền vững, đời sống của nhân dân Hà Giang sẽ được cải thiện tốt hơn, góp phần thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đề ra: “Đến năm 2030, Hà Giang là tỉnh có kinh tế-xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế-xã hội trung bình khá của cả nước”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công trường dự án. |
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể đồng bào, đồng chí lời chào thân ái, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nêu rõ, 1 trong 3 đột phá chiến lược là hạ tầng giao thông. Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững; đồng thời đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2030, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000-2020 (1.163 km).
Chúng ta đang triển khai đồng thời các tuyến cao tốc phục vụ an ninh quốc phòng, kết nối vùng và quốc tế; tạo ra không gian phát triển mới, khí thế mới, động lực mới; tạo ra các khu công nghiệp, khu đô thị, không gian phát triển dịch vụ, du lịch… Do đó, chúng ta phải nỗ lực thực hiện tốt.
Các bộ, ngành, trong đó có Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính xác định hướng tuyến dự án, quyết định, tham mưu đầu tư, xử lý ách tắc về kỹ thuật liên quan địa chất, vật liệu thông thường…
Hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhân dân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với nguyên tắc ổn định cuộc sống của nhân dân đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà động viên các động viên đơn vị thi công trên công trường. |
Rút kinh nghiệm ở các dự án cao tốc vừa qua, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải bảo đảm nguyên vật liệu như mỏ đất, đá với nguyên tắc giao trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu, không giao qua trung gian tư nhân; tránh việc găm hàng, nâng giá, đội giá, dẫn đến tiêu cực; dứt khoát không để chậm tiến độ, chậm đến ngày 31/12/2025 phải xong; bảo đảm chất lượng công trình, khảo sát địa chất tốt; không để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham ô, lãng phí, tiêu cực trong đấu thầu.
Các nhà thầu xây lắp, tư vấn không được thông thầu, bán thầu. Các cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay từ đầu để ngăn chặn tiêu cực; tiết kiệm chi phí, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, thi công nhanh; bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động, kỹ mỹ thuật; mong muốn nhân dân tiếp tục ủng hộ dự án thành công.
Hoan nghênh và biểu dương 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đã phối hợp chặt chẽ để khởi công được dự án này, Thủ tướng mong các địa phương, đơn vị nhanh chóng hoàn thành dự án, đem lại hiệu quả cho đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức khởi công dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin