Sau hàng loạt các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra thời gian gần đây, điều tra của lực lượng chức năng chỉ ra nhiều "lỗ hổng" pháp lý sau đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) đối với đội ngũ lái xe vận tải hàng hóa, hành khách đường dài, nhất là tình trạng quản lý lái xe đang bị "bỏ ngỏ".
Sau đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, công tác quản lý lái xe vận tải đang bị "bỏ ngỏ". |
Lỗ hổng
5 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 3.991 vụ TNGT, làm 2.343 người chết, 2.773 người bị thương. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2022, số vụ TNGT giảm 15,7%, nhưng vẫn đáng báo động về tình trạng nhờn luật của lái xe sau các vụ TNGT, nhất là tình trạng chạy quá tốc độ, lấn làn đường, chở quá tải và vi phạm nồng độ cồn...
Chưa hết, không ít các vụ TNGT sau khi xảy ra, lượng cảnh sát giao thông xác định lái xe đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ, sử dụng chất gây nghiện trong quá trình lái xe gây tai nạn, nhưng sau đó bỏ chạy hoặc rời hiện trường, bỏ lại phương tiện, gây khó khăn cho quá trình điều tra...
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, nếu có sự kiểm soát chặt chẽ đối với lái xe, chắc chắn các vụ TNGT còn giảm mạnh hơn nữa và hạn chế tình trạng nhờn luật. Đây chính là những "lỗ hổng" lớn trong công tác quản lý lái xe kinh doanh vận tải sau khi cấp GPLX. Thực tế, có nhiều lái xe vi phạm khi vừa bị lập biên bản tại địa phương này, nhưng sang địa phương khác lại vi phạm tiếp. Nhiều trường hợp, lực lượng chức năng không tra cứu được thông tin lái xe đó đã từng vi phạm, nên lái xe chỉ bị xử phạt lỗi tại thời điểm vi phạm.
Còn theo Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Trần Hữu Minh, việc quản lý lái xe sau khi được cấp GPLX đã được nhiều cơ quan liên quan thảo luận từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Nhất là các vấn đề liên quan đến: Sức khỏe lái xe khi sát hạch thiếu nguồn gốc, bị thả nổi; thông tin lái xe lưu tại doanh nghiệp vận tải không được kết nối liên thông, tái vi phạm sau khi lái xe bị xử phạt...
Lãnh đạo nhiều Sở GTVT cũng phản ánh, đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước về sát hạch, đào tạo, cấp phép lái xe vẫn chưa có cơ chế kiểm soát, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý lái xe sau khi được cấp GPLX. Bộ phận theo dõi ATGT của doanh nghiệp vận tải hiện nay hầu như chưa có, chưa làm hết vai trò, trách nhiệm. Vì vậy, cần có giải pháp kết nối đồng bộ dữ liệu lái xe vi phạm trật tự ATGT từ hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam và Cục CSGT.
Qua tìm hiểu, dữ liệu của hai hệ thống này hiện chưa được kết nối, nhiều trường hợp vi phạm bị tạm giữ hay tước GPLX chưa được gửi kịp thời đến các Sở GTVT để cập nhật vi phạm khi cấp lại GPLX. Các Sở GTVT đề xuất, ngoài kết nối dữ liệu, hai Cục cần xây dựng thang điểm, gắn với trừ điểm GPLX tùy theo lỗi vi phạm, số lần vi phạm và kèm theo các hình thức xử lý. Lái xe sau khi được cấp GPLX sau 2 năm không vi phạm mới được cấp chính thức. Trường hợp có vi phạm sẽ bị trừ điểm, vi phạm đến lần thứ 2 phải sát hạch lại lý thuyết, đến lần thứ 3 phải thi lại cả lý thuyết và thực hành...
Quản chặt từ gốc
Ông Trần Hữu Minh cho biết thêm, không chỉ quản lý đối với lái xe kinh doanh vận tải, về lâu dài để quản lý từ gốc vấn đề này, các cơ quan liên quan cần quản lý dữ liệu vi phạm giao thông đối với cả xe ô tô cá nhân. Quản lý được lịch sử vi phạm của lái xe, đây là cơ sở để nghiên cứu xử lý lái xe tái phạm. Lái xe vi phạm lần đầu mức xử phạt có thể thấp, nhưng khi tái phạm sẽ xử phạt theo lũy tiến mới đủ sức răn đe.
Các chuyên gia giao thông cũng đồng tình, việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương phải là việc bắt buộc thay vì chỉ khuyến khích. Dữ liệu phải được coi là tài sản quốc gia và phải được chia sẻ, tùy theo cấp độ mà cơ quan, tổ chức sẽ được tiếp cận sử dụng.
Tại dự thảo Luật Đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự ATGT đã quy định hình thành hệ dữ liệu về trật tự ATGT, các dữ liệu vi phạm ATGT. Nếu sức khỏe lái xe được lưu trữ và chia sẻ, khi đó các cơ quan quản lý sẽ nắm được lai lịch lái xe. Nếu dữ liệu đó được tích hợp trên hệ dữ liệu quốc gia, doanh nghiệp tra cứu có thể nắm được tình trạng sức khỏe lái xe trước khi tuyển.
Từ đây có thể kiểm tra, biết được lịch sử của lái xe, khám sức khỏe ở đâu, được cấp GPLX khi nào, có vi phạm hành chính, vi phạm trật tự ATGT hay không, vi phạm lỗi gì, ở đâu…
Về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) chia sẻ, trong đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin ngành Đường bộ, Cục đang tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin lái xe kinh doanh vận tải. Hệ thống này kết nối các dữ liệu cấp GPLX và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; đồng thời, kết nối với dữ liệu vi phạm ATGT của Cục CSGT. Cơ sở dữ liệu sẽ ghi nhận về sức khỏe, vi phạm pháp luật giao thông của lái xe. Dữ liệu sẽ được tổng hợp theo từng lái xe, từng đơn vị kinh doanh vận tải để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng lao động và đào tạo nâng hạng cấp GPLX.
Trong văn bản đề xuất Bộ GTVT xây dựng phần mềm quản lý lái xe kinh doanh vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ, thời gian qua, sau các vụ TNGT, các cơ quan quản lý Nhà nước mất nhiều thời gian để xác minh lịch sử quá trình điều khiển phương tiện của lái xe gây tai nạn để truy nguyên nhân. Việc quản lý lái xe kinh doanh vận tải tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, không ít doanh nghiệp do nhiều nguyên nhân còn ép lái xe chạy theo đơn hàng, thiếu giám sát và thực hiện khám sức khoẻ định kỳ lái xe, cập nhật hồ sơ lý lịch lái xe kiểu đối phó...
Do vậy, cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý lái xe kinh doanh vận tải liên thông. Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp vận tải cập nhật thông tin của từng lái xe từ khi bắt đầu vào đơn vị làm việc đến khi kết thúc làm việc, gồm: Ngày tuyển dụng, hình thức hợp đồng, thông tin GPLX, thông tin vi phạm ATGT và kết quả xử lý vi phạm của doanh nghiệp, thông tin về đào tạo, tập huấn nghiệp vụ... Trên cơ sở dữ liệu tổng hợp, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp vận tải để xảy ra nhiều vi phạm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin