Biến đường thành sân phơi nông sản: Hiểm họa khôn lường

Trang Nhi 14:52, 01/06/2023

Nhiều năm nay, cứ vào dịp thu hoạch lúa là hàng loạt tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xóm, liên xã trên địa bàn huyện Phú Bình và một số địa phương khác lại trở thành “sân phơi” nông sản của người dân. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đường đê xã Hà Châu bị người dân chiếm dụng phơi nông sản khiến ô tô phải đi lấn sang làn đường ngược chiều.
Đường đê xã Hà Châu bị người dân chiếm dụng phơi nông sản khiến ô tô phải đi lấn sang làn đường ngược chiều.

Cuối năm 2022, cũng vào dịp thu hoạch lúa, tại xóm Núi 2, xã Dương Thành, xảy ra một vụ cháy xe ô tô trị giá tiền tỷ. Chiếc ô tô này đang đi trên đường làng trải rơm và bị rơm mắc vào gầm xe gây cháy. Ngay sau đó, rất nhiều người dân đã tham gia dập lửa nhưng vẫn không thể cứu được chiếc xe do ngọn lửa lan quá nhanh, phần đầu xe bị thiêu rụi.

Những ngày mùa, khi đi trên các tuyến đường giao thông tại huyện Phú Bình chúng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh người dân vô tư trải rơm, phơi thóc ra đường, từ quốc lộ đến những đoạn đường liên xóm, liên xã. Có nhiều đoạn, rơm được chất cao thành những đống to ngay rìa đường gây khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông, hoặc được phơi thành lớp dày, kéo dài hàng chục mét, tràn ra cả lòng đường.

Hầu như các phương tiện khi qua những đoạn đường này nếu không muốn xe bị mắc rơm, đi vào nông sản của người dân thì người điều khiển phải cho xe chạy lấn sang đường ngược chiều, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông nếu không quan sát kỹ.

Không chỉ chiếm dụng lòng, lề đường, bất chấp sự an toàn của các phương tiện tham gia giao thông, nhiều người phơi thóc ra đường còn sử dụng những vật cản như gạch, đá, cây cối để che chắn ngang hai đầu “sân phơi” với mục đích không cho các phương tiện đi vào khu vực phơi.

Đi dọc Quốc lộ 37, đoạn qua địa bàn huyện Phú Bình và một số tuyến đường giao thông liên xã, liên xóm của các xã như: Nga My, Hà Châu, Tân Hòa... chúng tôi chứng kiến sự bất bình của nhiều người đi đường khi qua những đoạn đường phủ kín rơm, trải đầy thóc. Vào những khung giờ cao điểm, trong khi các phương tiện đi lại nườm nượp thì bên lề đường người dân vẫn đứng gẩy rơm khiến các sợi rơm bay lên, vướng cả vào xe và người đi đường gây nguy hiểm.

Chị Dương Thị Hoa ở xã Nga My cho biết: Mỗi lần đi xe máy qua những đoạn đường có rơm phơi, tôi lại phải dừng xe để gỡ rơm vì lo xảy ra cháy hoặc mất an toàn giao thông.

Ngoài việc phơi rơm lấn chiếm lòng, lề đường, nhiều người dân ở Phú Bình còn sử dụng máy tuốt lúa lưu động để tuốt lúa ngay bên bờ ruộng, lề đường. Nhiều đoạn đường làng nhỏ, chiếc máy tuốt lúa to chiếm đến quá nửa phần đường gây cản trở việc đi lại của người dân.

Chưa kể, có người vô ý còn xoay cả họng xả rơm ra ngoài đường khiến các phương tiện đi qua đành phải dừng xe để chờ tuốt lúa xong. Sau khi tuốt lúa, phần lớn rơm sẽ được phơi tại chỗ cho khô rồi mới vận chuyển về nhà. Hộ nào không có nhu cầu tích trữ rơm thì sẽ gom thành đống to và đốt ngay tại ruộng. Do đó, khi đến phú bình vào ngày mùa không khó để bắt gặp những cột khói bốc cao, bụi bay mù mịt. Nhiều người dân cho rằng việc tuốt lúa, phơi rơm thì tiện đâu làm đấy, còn việc đốt rơm rạ thì vừa sạch đồng ruộng, vừa để làm phân bón lúa.

Trao đổi với lãnh đạo một số xã, chúng tôi được biết chính quyền các địa phương đã tích cực tuyên truyền người dân không được phơi rơm ra đường nhưng vẫn chưa thay đổi được thực trạng này.

Ông Hoàng Văn Oanh, Chủ tịch UBND xã Hà Châu, cho biết: Các tuyến đường ở xã bị phủ kín rơm là do nhu cầu tích trữ rơm cho trâu, bò của các hộ. Trong khi đó, diện tích để phơi rơm tại các gia đình lại hạn chế nên bà con thường phơi rơm ngoài đường. Xã đã thường xuyên nhắc nhở người dân không được phơi rơm, nhất là tại những trục đường chính, nhưng vào mùa gặt vẫn mất khoảng 10-15 ngày các tuyến đường bị phủ kín rơm.

Trên địa bàn huyện Phú Bình tuy chưa ghi nhận vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nào liên quan đến việc tuốt lúa, phơi, đốt rơm rạ trên đường, nhưng thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, nhất là trong trường hợp phương tiện bị rơm cuốn vào các bộ phận như gầm xe, ống xả rồi gây cháy. Tại những đoạn đường mấp mô, có ổ gà, việc rơm rạ phủ kín đường sẽ khiến người điều khiển phương tiện có thể bị ngã xe...

Vì vậy, để nâng cao ý thức của người dân, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, chính quyền các địa phương cần tích cực vào cuộc xử lý, nhắc nhở những cá nhân phơi nông sản lấn chiếm lòng, lề đường.