Tận dụng thế mạnh và tiềm lực của đại học vùng, cùng với cơ chế đặt hàng của tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã nghiên cứu, chuyển giao nhiều nhiệm vụ khoa học - công nghệ (KHCN), tạo bước đột phá trong hoạt động ứng dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự án trồng cây cát sâm trên đất đồi kém hiệu quả tại huyện Đồng Hỷ mang lại hiệu quả tốt. |
ĐHTN hiện có trên 3.500 cán bộ, viên chức, trong số này có 800 tiến sĩ (T.S), 160 người là giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS). Nguồn nhân lực của ĐHTN phân bổ đều trên 4 lĩnh vực lớn là: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ; Khoa học xã hội nhân văn, kinh tế; Nông, sinh, y; Khoa học giáo dục.
Nằm trong Chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KHCN giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và ĐHTN, UBND tỉnh đã phê duyệt triển khai 7 nhiệm vụ KHCN và giao cho ĐHTN là cơ quan chủ trì. Đến nay, đã có 5 nhiệm vụ KHCN nghiệm thu, trong đó có 2 nhiệm vụ xếp loại Giỏi, 2 nhiệm vụ xếp loại Khá và 1 nhiệm vụ xếp loại Đạt.
Một trong những nhiệm vụ được đánh giá cao bởi tính thiết thực là: “Xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên”. Mục tiêu của đề tài là ứng dụng KHCN nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên theo hướng hiện đại; góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể. Việc thực hiện đề tài này đã góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, lịch sử, sản phẩm đặc sản, giáo dục lịch sử địa phương của Thái Nguyên.
Ông Vũ Thành Vinh, Thư ký đề tài, cho biết: Hệ thống du lịch thông minh mà đề tài xây dựng giúp hỗ trợ, hướng dẫn du khách lập lộ trình du lịch cũng như gợi ý các điểm tham quan nổi tiếng. Bên cạnh đó, việc cung cấp tự động các thông tin xúc tiến thương mại du lịch sẽ góp phần tạo sự hấp dẫn và thu hút du khách đến với các địa danh lịch sử, danh thắng của tỉnh.
Một trong những nhiệm vụ KHCN trọng điểm là đề tài “Xây dựng các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai từ sạt lở, lũ quét trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Kết quả đề tài đã nghiệm thu, bàn giao gồm: Bản đồ và cơ sở dữ liệu phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tỉnh Thái Nguyên; đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai do lũ quét và sạt lở đất; phần mềm cảnh báo tự động lũ quét và sạt lở đất.
Đây là kết quả mang tính ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở để chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành liên quan trong định hướng quản lý, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cung cấp thông tin cần thiết cho người dân khi tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo an toàn, giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai nếu có.
Thời gian qua, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa tỉnh Thái Nguyên và ĐHTN tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả nổi bật. Các nhiệm vụ KHCN được triển khai đều có giá trị khoa học, ý nghĩa thực tiễn, đem lại hiệu quả ứng dụng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, công nghệ thông tin, văn hoá xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giai đoạn 2017-2022, ĐHTN và các trường đại học thành viên đã thực hiện 35 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, tổng kinh phí thực hiện là 81 tỷ đồng; 14 nhiệm vụ KHCN quỹ gen cấp tỉnh với kinh phí 31,5 tỷ đồng. Kết quả thực hiện chương trình hợp tác giữa tỉnh Thái Nguyên và ĐHTN đã phê duyệt 7 nhiệm vụ KHCN, tổng kinh phí thực hiện trên 90 tỷ đồng.
Ngoài ra, ĐHTN và các trường đại học thành viên đã phối hợp với Sở KHCN tỉnh trong việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đơn cử như hoạt động phối hợp với Bộ KHCN tổ chức Hội thảo liên kết vùng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng trung du miền núi phía Bắc và Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên tại Trường Đại học Nông lâm; Diễn đàn thắp lửa và kết nối khởi nghiệp – Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp ĐHTN lần thứ 3 tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp; “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thái Nguyên – Khởi nghiệp trên thủ đô kháng chiến”; ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025…
Theo TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh: Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có chương trình hợp tác, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa tỉnh Thái Nguyên và ĐHTN đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Mục tiêu nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó chủ yếu tập trung phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, con người, lợi thế vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực để phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin