Vì sao hàng loạt nước đòi cấm TikTok?

Theo thanhnien.vn 14:49, 30/03/2023

Lo ngại về những hiểm họa tiềm ẩn đằng sau TikTok, ngày càng nhiều quốc gia cấm công chức nhà nước sử dụng nền tảng phát video ngắn này.

Theo Bloomberg, quãng thời gian vừa qua là thời điểm khó khăn đối với TikTok khi giới chức Mỹ đang buộc ứng dụng này tách khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc. Sau khi phiên điều trần của CEO TikTok Shou Zi Chew diễn ra trước Hạ viện Mỹ vào ngày 23.3, đến ngày 25.3, Pháp đã cấm công chức tải những ứng dụng giải trí trên điện thoại dùng để làm việc, trong danh sách cấm có cả TikTok. Hiện nay, 11 quốc gia và khu vực đã có động thái tương tự.

Hàng loạt quốc gia trên thế giới đòi cấm TikTok
Hàng loạt quốc gia trên thế giới đòi cấm TikTok

Mỹ

Ngày 15.12.2022, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu cấm TikTok khỏi tất cả điện thoại và thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ. Tuy nhiên, dự luật vẫn cho phép sử dụng TikTok cho các mục đích thực thi pháp luật, các hoạt động và lợi ích an ninh quốc gia cũng như nghiên cứu bảo mật. Đầu tháng 3 năm nay, Nhà Trắng và quân đội Mỹ đã yêu cầu gỡ TikTok khỏi các thiết bị công nghệ do chính phủ cung cấp trong vòng 30 ngày do lo ngại về bảo mật dữ liệu.

Liên minh châu Âu (EU)

Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra thông báo cấm nhân viên sử dụng TikTok vào ngày 23.2 vì lo ngại ứng dụng này không bảo mật. Nhân viên của EC cũng không được phép sử dụng TikTok trên thiết bị cá nhân có cài đặt ứng dụng đàm thoại của EU.

Canada

Ngày 27.2, Canada ra thông báo cấm công chức sử dụng TikTok trên thiết bị chính phủ cấp với lý do ứng dụng này tiềm tàng những rủi ro đối với quyền riêng tư và bảo mật. Thủ tướng Justin Trudeau cho biết đây là "bước đầu tiên" để đảm bảo an toàn mạng cho người dân Canada.

Đan Mạch

Ngày 6.3, Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cấm nhân viên của bộ sử dụng ứng dụng video ngắn của ByteDance theo khuyến nghị của Cơ quan An ninh mạng quốc gia.

Bỉ

Vào hôm 10.3, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết các nhân viên chính phủ bị cấm sử dụng TikTok trên điện thoại sau khi Hội đồng An ninh quốc gia Bỉ (CNS) cảnh báo về những rủi ro liên quan đến dữ liệu người dùng.

Vương quốc Anh

Sau những động thái tương tự của nhiều nước châu Âu và Mỹ, chính phủ Anh đã cấm TikTok trên thiết bị và mạng cục bộ của Quốc hội. Người phát ngôn Quốc hội Anh cho biết vào ngày 16.3 rằng an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu của Quốc hội.

New Zealand

New Zealand cũng tuyên bố TikTok sẽ bị cấm trên điện thoại của các nhân viên chính phủ vào ngày 17.3. Không như các quốc gia khác, lệnh cấm chỉ áp dụng trên tất cả thiết bị của Quốc hội.

Na Uy

Ngày 21.3, Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Emilie Enger Mehl khuyên các nhân viên chính phủ xóa TikTok và ứng dụng nhắn tin Telegram khỏi điện thoại. Bộ cho biết các nhân viên vẫn có thể sử dụng TikTok nếu cần thiết vì lý do chuyên môn, nhưng chỉ trên các thiết bị không được kết nối với mạng của chính phủ để tránh các rủi ro bảo mật đến từ Trung Quốc và Nga.

Chính phủ Mỹ đang gây khó dễ với TikTok
Chính phủ Mỹ đang gây khó dễ với TikTok

Hà Lan

Tương tự chính phủ Na Uy vào ngày 21.3, chính phủ Hà Lan đã khuyên các nhân viên không nên sử dụng ứng dụng từ các quốc gia có chương trình tấn công mạng nhằm vào Hà Lan.

Ba Lan

Theo Polityka Insight vào ngày 24.3, các cố vấn của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đang xem xét đề xuất chặn TikTok trên các thiết bị của chính phủ và Quốc hội sử dụng.

Pháp

Ngày 24.3, chính phủ Pháp cấm quan chức cài đặt và sử dụng các ứng dụng "giải trí" như TikTok, Netflix và Candy Crush. Chính phủ Pháp cho biết, các ứng dụng trên không cung cấp đủ mức độ về an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu, do đó các ứng dụng này có thể gây ra rủi ro bảo mật đối với cơ quan hành chính.