Tên lửa đẩy Super Heavy của SpaceX phát nổ sau khi phóng

Theo baotintuc.vn 08:18, 21/04/2023

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Super Heavy - tên lửa đưa tàu Starship thế hệ mới của hãng SpaceX lên vũ trụ - đã phát nổ chỉ vài phút sau khi được phóng từ Sân bay vũ trụ Starbase ở Boca Chica, bang Texas của Mỹ vào sáng 20/4.

Tàu vũ trụ Starship thế hệ mới được phóng từ Sân bay vũ trụ Starbase của SpaceX ở Boca Chica, bang Texas, Mỹ, ngày 20/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu vũ trụ Starship thế hệ mới được phóng từ Sân bay vũ trụ Starbase của SpaceX ở Boca Chica, bang Texas, Mỹ, ngày 20/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là lần phóng thứ hai của SpaceX nhằm thử nghiệm một chuyến bay tích hợp đầy đủ với tàu Starship. Chuyến bay là một bước quan trọng trong quá trình phát triển của tàu vũ trụ Starship để thực hiện sứ mệnh đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng hoặc Sao Hỏa.

Trước chuyến bay thử nghiệm, Giám đốc điều hành SpaceX - tỷ phú Elon Musk - đã lưu ý rằng tên lửa có thể sẽ không bay vào quỹ đạo và các kỹ sư của SpaceX không ngạc nhiên khi tên lửa phát nổ sau khi cất cánh. Trên mạng xã hội Twitter, ông Musk sau đó đã bày tỏ quan điểm lạc quan về triển vọng Starship sẽ sớm có thể bay trở lại.

Vụ phóng tàu vũ trụ Starship lần đầu tiên sử dụng tên lửa đẩy Super Heavy mới. Loại siêu tên lửa 2 tầng này cao tới 120 mét, lớn hơn tên lửa Statue of Liberty. Vào thời điểm cất cánh, 33 động cơ chạy bằng methane được thiết kế để đánh lửa cùng lúc, tạo ra lực đẩy khổng lồ cần thiết để đưa tàu vũ trụ Starship vào bầu khí quyển Trái Đất.

Tàu vũ trụ Starship thế hệ mới được phóng từ Sân bay vũ trụ Starbase của SpaceX ở Boca Chica, bang Texas, Mỹ, ngày 20/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu vũ trụ Starship thế hệ mới được phóng từ Sân bay vũ trụ Starbase của SpaceX ở Boca Chica, bang Texas, Mỹ, ngày 20/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Mô hình của tàu vũ trụ Starship đã được thử nghiệm 5 lần ở quỹ đạo dưới 10 km trong những năm gần đây, nhưng tên lửa đẩy Super Heavy chưa bao giờ được phóng thử. Việc lần đầu tiên phóng thử cùng lúc tên lửa đẩy và tàu vũ trụ đánh dấu cột mốc trong tham vọng của SpaceX về mục tiêu đưa con người trở lại Mặt Trăng, và xa hơn nữa là lên Sao Hỏa, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh Artemis - chương trình tàu không gian có người lái mới khai trương của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).

Hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ Starship được thiết kế như các thành phần có thể tái sử dụng, có thể bay trở lại Trái Đất và hạ cánh mềm. Sau khi tách khỏi Starship, tên lửa Super Heavy sẽ thực hiện chuyến trở về có kiểm soát trước khi rơi xuống vùng Vịnh Mexico.

Theo thiết kế, hệ thống phóng Starship mạnh hơn gần gấp 2 lần so với hệ thống phóng vũ trụ (SLS) của NASA. Hệ thống SLS đã thực hiện cuộc phóng thử nghiệm không người lái hồi tháng 11/2022, đưa tàu vũ trụ Orion của NASA đi hành trình 10 ngày quanh Mặt Trăng và trở về.

Đến nay, nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ nguyên nhân tên lửa phát nổ sau khi được phóng. Tuy nhiên, các kỹ sư của SpaceX cho rằng lần thử nghiệm này đã cho họ thêm kinh nghiệm để tiếp tục phát triển Starship tốt hơn.