Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh vừa tổ chức Hội thảo khoa học về thực trạng công tác quản lý và phát triển các sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Tham dự có đại diện một số sở, ngành của tỉnh, Đại học Thái Nguyên và các hội thành viên của Liên hiệp Hội (ảnh).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 sản phẩm chè đã được đăng ký quyền SHTT, cụ thể: 1 chỉ dẫn địa lý “chè Tân Cương Thái Nguyên”; 7 nhãn hiệu tập thể: Chè Thái Nguyên, chè La Bằng, chè Trại Cài, chè Vô Tranh, chè Tức Tranh, chè Phổ Yên, chè Đại Từ; 2 nhãn hiệu chứng nhận chè Phú Lương và Võ Nhai.
Trong đó, sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” được Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ năm 2006, đến nay đã được đăng ký bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, để quản lý và phát triển các sản phẩm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan đến các sản phẩm chè đã được bảo hộ quyền SHTT, như: Thực trạng hệ thống cơ chế, chính sách về bảo hộ quyền SHTT; công tác phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã chè nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm chè; Hội chè tỉnh với công tác phát triển các sản phẩm chè đã được bảo hộ quyền SHTT…
Nhiều ý kiến đề xuất được các đại biểu đưa ra, như: Cần tăng cường công tác quản lý trong việc bảo hộ nhãn hiệu; có chế tài và phân định rõ trách nhiệm cho cơ quan quản lý Nhà nước trong xử lý các vi phạm liên quan đến SHTT; ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mở rộng diện tích chè hữu cơ…
Những nội dung, ý kiến đề xuất tại Hội thảo được tiếp thu, tổng hợp để xây dựng dự thảo về “Giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển các tài sản trí tuệ là sản phẩm chè” trình UBND tỉnh trong năm nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin