Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng và đã, đang có những tác động to lớn đối với nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đây là xu thế tất yếu của sự tiến bộ nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đem lại, sự phát triển “nóng” của AI làm dấy lên những lo ngại về các rủi ro tiềm ẩn và cả sự nguy hiểm mà AI có thể gây ra cho loài người nếu không kiểm soát kịp thời bằng khung pháp lý với các giải pháp đủ mạnh, sự vào cuộc của tất cả các quốc gia, tổ chức...
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, AI đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực trong đời sống. Trong đó, nổi trội là AI giúp con người nâng cao năng suất lao động, tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội. Đặc biệt, AI giúp sức để con người chinh phục những đỉnh cao trong nghiên cứu vũ trụ, y học, vật liệu mới...Cá biệt, cuộc thi về sáng tác văn học của Trung Quốc năm 2023 đã có 01 tác phẩm do AI sản xuất đoạt giải Nhì khiến nhiều nhà văn ở đất nước nhiều tỷ dân rất bất ngờ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lại đưa ra dự báo sự phát triển của AI sẽ gây ra những hệ lụy, như: Mất việc làm và sự tái cơ cấu lao động; Bất bình đẳng trong tiếp cận công lý và hưởng thụ; Mất tự do và xâm phạm quyền riêng tư; Quyền sở hữu trí tuệ và tin giả. Nguy hiểm hơn là kẻ xấu có thể dùng AI vào những việc chống lại sự phát triển, hòa bình của nhân loại.
Liên minh châu Âu là tổ chức đầu tiên ban hành bộ luật về quản lý AI. |
Đứng trước nhiều lợi ích và cả những điều bất lợi có thể xảy ra khi AI tồn tại nên nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đã đưa ra quan điểm: Một mặt thúc đẩy cũng như ứng dụng AI rộng rãi hơn; Mặt khác quyết tâm xây dựng khung pháp lý và cả đạo đức để quản lý, kiểm soát AI có trách nhiệm, toàn diện.
Cụ thể, cuối năm 2023, Liên minh châu Âu đã thông qua các nguyên tắc trong đạo luật AI Act và được các thành viên thông qua trong tháng 3-2024. Đây là bộ luật đầu tiên và toàn diện nhất để tạo mọi điều kiện cho AI phát triển nhưng cũng đưa ra nhiều sáng kiến nhằm đối phó với nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo. Còn Trung Quốc đã ban hành Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản trị AI có đạo đức. Các nước ASEAN cũng ban hành khuôn khổ chung về quản trị AI...Riêng Mỹ lại xem xét các phản ứng từ khu vực tư nhân để xây dựng cách quản lý AI.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược tập trung vào phát triển AI nhưng cũng đặt vấn đề quản trị rủi ro đến từ công nghệ này. Việc nhiều tổ chức, quốc gia xây dựng, ban hành khung pháp lý để quản lý, kiểm soát AI sẽ giúp nước ta có thêm cơ sở để bổ sung cơ chế, chính sách nhằm cân bằng giữa tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhưng cũng giảm rủi ro, bảo vệ người dùng, tận dụng AI để phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, trong nhiệm kỳ 2020-2025, chuyển đổi số được tỉnh xác định là nhiệm trọng tâm, khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, tỉnh đã, đang tích cực triển khai quy trình đầu tư để hình thành khu công nghệ thông tin tập trung rộng 200ha tại địa bàn TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình. Như vậy, Thái Nguyên sẽ là địa phương có nhiều cơ hội để ứng dụng AI tại khu công nghệ này...
AI đã được ứng dụng nhận biết giọng nói để mở cửa tự động; ngừng, mở thiết bị sản xuất. |
Có thể nói, thế giới thống nhất về các nguyên tắc đối với trí tuệ nhận tạo, đó là: AI phải vì con người, không gây hại cho con người; AI phải bảo đảm thực hiện đúng như mục tiêu thiết kế đề ra; AI an toàn và bảo mật; AI bình đẳng, công bằng; AI bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo hộ quyền tác giả…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy: Đạo đức và trách nhiệm trong AI nằm ở tất cả các khâu như: Xây dựng thuật toán, thu thập dữ liệu, đến công cụ huấn luyện và ứng dụng. Vì vậy, vấn đề này phải được quan tâm ngay từ khâu xây dựng hệ thống, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân, tôn trọng quyền tác giả, bản quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng suất lao động nhưng cần bảo vệ môi trường, an sinh xã hội cũng được coi trọng.
PGS.TS Bùi Thu Lâm, chuyên gia của Học viện Kỹ thuật mật mã: Hiện nay đang có một loạt thách thức đối với phát triển AI ở Việt Nam đó là thiếu nhân công và nền tảng mở gồm dữ liệu, phần mềm, ứng dụng. Bên cạnh đó là các thách thức pháp lý, như: Địa vị pháp lý của AI; Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng AI (dân sự, hình sự, hành chính); Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong ứng dụng AI; Quyền sở hữu trí tuệ trong ứng dụng AI...
Đạo luật trí tuệ nhân tạo (AI) được EU thông qua lập ra quy định rõ ràng về việc quản lý, sử dụng công nghệ AI. Đạo luật là nền tảng để các công ty khởi nghiệp và nhà nghiên cứu EU dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về phát triển AI đáng tin cậy. Song, EU sẽ tiến hành giám sát và có quyền phạt tới 7% doanh thu công ty hoặc 35 triệu euro (37,7 triệu USD) với những bên vi phạm. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin