982 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào hệ thống thông tin trong nước

Theo HNMO 13:49, 03/01/2023

Theo tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, riêng trong tháng 12-2022, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 982 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 17,3% so với tháng 11-2022 và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2022, tổng số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 12.195 sự cố, tăng 25,3% so với năm ngoái.

 

Số liệu từ Trung tâm Giám sát không gian mạng Việt Nam (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, riêng trong 2 tuần (từ 12-12 đến ngày 25-12), đã có 1.252 trường hợp tấn công vào các trang, cổng thông tin điện tử của Việt Nam. Trong đó, các trường hợp tấn công lừa đảo (Phishing) chiếm tới hơn 66%. Cùng với đó, hệ thống tiếp nhận phản ánh của người dùng internet về các trường hợp nghi lừa đảo tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn [1] đã nhận được 422 ý kiến phản ánh. Qua kiểm tra, phân tích của NCSC, có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng và các trang thương mại điện tử…

Các chuyên gia bảo mật cũng cho biết, sự cố tấn công mạng, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến nhắm trực tiếp vào người dùng cá nhân đang có xu hướng gia tăng trong các tháng cuối năm 2022 và dịp nghỉ Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Những ngày gần đây, Bộ Công an đã liên tiếp nhắn tin cảnh báo, nhắc nhở người dân về các chiêu thức lừa đảo trực tuyến như giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thông báo có liên quan đến các vụ án và yêu cầu chuyển tiền; giả mạo website, ứng dụng của các tổ chức và gửi đường link dụ người dùng đăng nhập nhằm chiếm quyền điều khiển các loại tài khoản; đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online cho các trang mạng xã hội…

Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh; đồng thời tiếp tục có các văn bản cảnh báo rộng rãi, đôn đốc việc rà soát điểm yếu, lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.