Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Hằng Nga 10:17, 18/12/2022

Thông qua việc tích hợp, đồng bộ thông tin, dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo với cơ sở dữ liệu dân cư, Thái Nguyên đang đẩy mạnh chuyển đổi số, chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Đoàn viên thanh niên xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tuyên truyền cho người dân về chuyển đổi số, mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt.
Đoàn viên thanh niên xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tuyên truyền cho người dân về chuyển đổi số, mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt.

Những ngày này, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông để tạo tài khoản cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công.

Các phần việc được đẩy nhanh đáp ứng được việc tiếp nhận, quản lý, thanh toán điện tử theo quy định trong thời điểm toàn tỉnh tổ chức “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2023”, huy động các nguồn lực xã hội chung tay hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế có thêm nguồn động viên dịp Tết đến - Xuân về.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, vui mừng thông tin: Các đơn vị được giao nhiệm vụ đã chủ động vào cuộc, phối hợp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ. Viettel Thái Nguyên, Bưu điện tỉnh, Ngân hàng TMCP Công Thương - Chi nhánh Lưu Xá đã xây dựng kế hoạch triển khai rõ ràng, phù hợp với nhiệm vụ, có những chính sách riêng cho nhóm đối tượng an sinh xã hội... 

Tuy nhiên,trong quá trình triển khai cấp tài khoản cho hộ nghèo, hô cận nghèo, các đơn vị đã gặp phải những khó khăn nhất định, như: Đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, an sinh xã hội là đối tượng yếu thế, hạn chế giao tiếp xã hội nên việc tuyên truyền tạo tài khoản số gặp nhiều vướng mắc; nhiều đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo không tạo được tài khoản số do không có mặt tại địa phương; thiếu các điều kiện mở tài khoản số (không có số điện thoại, hạn chế về nhận thức...)..

Khắc phục những khó khăn nêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp làm việc với các phòng lao động, thương binh và xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn để đôn đốc, phối hợp, tập trung tư vấn, tuyên truyền về lợi ích của việc cấp tài khoản an sinh xã hội.

Các đơn vị đã trực tiếp hỗ trợ, kích hoạt mở tài khoản các hộ gia đình với chính sách áp dụng mở tài khoản số dư 0 đồng, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Ứng dụng chuyển đổi số, chi trả không dùng tiền mặt đã được tỉnh tâp trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả trong 2 năm gần đây. Đặc biệt là việc chi trả các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Nhìn chung, các đối tượng chính sách đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc chi trả đến đối tượng được thụ hưởng.

Hiện nay, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đã được triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhóm đối tượng này.

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, việc mở tài khoản số cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của 9 huyện, thành phố có tổng số tài khoản cần mở là 34.914, số hồ sơ đã tiếp nhận là 23.995, số tài khoản đã mở là 12.077.

Đối với những hộ nghèo, cận nghèo không tạo được tài khoản số do không có mặt tại địa phương, thiếu các điều kiện mở tài khoản số, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các huyện, thành phố có phương án mở tài khoản đầu mối ở cấp xã để hỗ trợ tiếp nhận và thực hiện chi trả cho các đối tượng.