Lao động thời vụ: Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

Vũ Công 16:54, 17/12/2022

Suốt những năm qua, công việc thời vụ tại các công ty, nhà máy đã giúp nhiều lao động có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, họ lại đang chịu không ít thiệt thòi so với những lao động chính thức, khi không được ký kết hợp đồng lao động, không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào 4 sào lúa, vì thế khi được ký lao động động chính thức đã giúp chị Dương Thị Dung có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.
Kinh tế chỉ phụ thuộc vào 4 sào lúa nên việc được ký hợp đồng lao động chính thức giúp gia đình chị Dương Thị Dung, ở phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên) có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.

Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, đầu năm 2022, thông qua một đơn vị hoạt động dưới dạng dịch vụ lao động (có địa chỉ tại xã Điềm Thụy), chị M.T.C, sinh năm 1980, xã Thanh Ninh (Phú Bình), đã xin được làm thời vụ tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp Điềm Thụy. Công việc hằng ngày của chị C là đứng dây chuyền sản xuất như các công nhân chính thức khác. Nếu công việc ổn định thì thu nhập trung bình mỗi tháng của chị được khoảng 4,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, chị C không được ký hợp đồng lao động, nên không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; không được hưởng các chế độ phụ cấp và chế độ thưởng như những công nhân chính thức.

Chị C chia sẻ: Với mong muốn làm gần nhà để tiện chăm sóc gia đình, tôi có nộp hồ sơ ở nhiều nơi nhưng ở độ tuổi 42, lại không có bằng cấp nên tôi rất khó tìm được việc làm. Công việc hiện tại mặc dù thu nhập và các chế độ không bằng những lao động chính thức nhưng tôi vẫn chấp nhận, bởi với tôi, có việc làm, thu nhập là tốt rồi.

Con với chị N.T.T, sinh năm 1975, ở xã Tràng Xá (Võ Nhai), qua giới thiệu của bạn bè, chị xin được việc làm tại một công ty trong Khu công nghiệp Điềm Thụy. Chị T cho biết: Do gia đình có ít đất sản xuất, từ 5 năm trước, tôi đã xuống TP. Thái Nguyên thuê trọ và xin vào làm lại các quán ăn. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, các nhà hàng tạm thời đóng cửa. Trong thời gian đó, tôi được bạn giới thiệu cho một đơn vị hoạt động dưới dạng dịch vụ lao động để xin việc. Do chỉ cần căn cước công dân để xin việc nên sau khi nộp hồ sơ vài ngày, tôi được đi làm ngay và đến nay đã được hơn 2 năm. Mặc dù thu nhập trung bình mỗi tháng của tôi chỉ được khoảng 4-4,5 triệu nhưng không phải quá vất vả, thức đêm, dậy sớm như khi còn làm ở các cửa hàng ăn.

Cũng giống như chị C, chị T, chị Dương Thị Dung, sinh năm 1972, ở phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên) từng là lao động thời vụ. Nhưng hơn một năm nay, chị đã trở thành lao động chính thức. Chị Dung vui vẻ: Trước đây, thông qua một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường, tôi có xin được công việc dọn vệ sinh tại một số công ty trong Khu công nghiệp Yên Bình và Khu công nghiệp Điềm Thụy. May mắn, sau một thời gian làm việc, tôi được đơn vị ký hợp lao động chính thức. So với làm thời vụ thì sau khi chuyển chính thức, tôi được hưởng nhiều chế độ hơn như: lương cao hơn từ 1,5-2 triệu đồng/tháng; được tham gia đóng các loại bảo hiểm; các ngày lễ, Tết được tặng quà…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những lao động thời vụ không ký hợp đồng trực tiếp với các công ty, doanh nghiệp mà thông qua một đơn vị trung gian. Người lao động thường gọi là đơn vị dịch vụ lao động hay cho thuê lao động. Những đơn vị cung ứng này sẽ thỏa thuận về tiền công lao động, cũng như chi trả trực tiếp cho người lao động. Sau đó, người lao động sẽ được các đơn vị này bố trí việc làm tại những công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Hiện, chưa có con số thống kê cụ thể về số lao động thời vụ đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực tế cũng cho thấy, công việc thời vụ đang giúp nhiều lao động nông thôn có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, họ lại phải đang đối mặt rủi ro khá lớn khi ốm đau, thai sản hay gặp tai nạn lao động… Cụ thể, nếu xảy ra tranh chấp thì cơ quan chức năng rất khó can thiệp, bảo vệ quyền lợi bởi không có cơ sở, chứng cứ (hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm xã hội, thông báo, quyết định...). Mặt khác, do không tham gia bảo hiểm xã hội nên khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, người lao động sẽ không được hưởng bất cứ chế độ gì.

Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, thông tin: Chúng tôi đang chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp tuyên truyền, vận động những đơn vị làm dịch vụ lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn. Qua đó, nhằm chăm lo tốt hơn, cũng như bảo vệ quyền, lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Cùng với đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các Công đoàn trên cơ sở tăng cường phối hợp với chủ sử dụng lao động nhằm chăm lo tốt hơn cho những lao động thời vụ...


Từ khóa:

lao động

thời vụ

việc làm