Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nâng tầm chất và lượng

Phạm Ngọc Chuẩn 08:02, 13/12/2022

Những năm qua, chính sách đào tạo nghề đã giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ thực tế đó, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2030, mỗi năm đào tạo nghề cho 4.000 lao động nông thôn (LĐNT). Sau đào tạo, 3.200 LĐNT có việc làm mới, hoặc tiếp tục làm công việc cũ, nhưng đạt năng suất lao độngvà thu nhập cao hơn...

“Mô hình đo lường điện đa năng” - một thiết bị tự làm của tập thể cán bộ, giáo viên Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên đang phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo nghề.

Chị Triệu Thị Hồng, người dân tộc Dao ở xóm Khe Rạc, xã Vũ Chấn (Võ Nhai), chia sẻ: Năm 2019, tôi được địa phương tạo điều kiện tham gia lớp học nghề may công nghiệp. Sau học nghề, tôi được Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG tuyển dụng vào làm việc, với mức lương 10 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền làm tăng ca. Nhờ có việc làm mới với thu nhập ổn định, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Cùng ở huyện Võ Nhai, chị Hoàng Thị Tấu, dân tộc Mông ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, nói: Tôi được Nhà nước hỗ trợ cho học nghề may công nghiệp. Rồi được một công ty may tuyển dụng vào làm việc, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, tôi được tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN và được nhận tiền thưởng khi lao động vượt định mức.

Chị Hồng, chị Tấu chỉ là 2 trong tổng số gần 46.000 LĐNT tại Thái Nguyên được tuyển sinh và đào tạo nghề trong giai đoạn 10 năm 2012-2022. Các chị cũng nằm trong số hơn 6.500 người dân tộc thiểu số được tham gia đào tạo nghề, đồng thời ở trong số gần 32.000 lao động tham gia các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua các lớp đào tạo nghề này, hầu hết người lao động sau đào tạo được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc.

Cùng với nghề phi nông nghiệp là hơn 13.800 lao động tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp. Qua đào tạo, trình độ, năng lực sản xuất của LĐNT được nâng cao. Tư duy, nhận thức trong làm kinh tế cũng thay đổi theo hướng kinh tế thị trường. Điển hình như ông Lý Văn Thiệp, xã Văn Yên (Đại Từ); ông Đào Văn Hiểu, xã Đào Xá (Phú Bình)... đã chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Có nghề mới, cuộc sống của gia đình chị Hoàng Thị Tấu, xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (Võ Nhai), đã ổn định hơn.

Có thể khẳng định, những năm qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh. Điển hình như Hội Nông dân tỉnh có 1.850 cán bộ chi hội được tư vấn về học nghề, việc làm và kỹ năng vận động LĐNT tham gia các lớp đào tạo nghề. Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 300 hội nghị tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho hơn 500.000 lượt đoàn viên, thanh niên.

Các cấp hội Phụ nữ tổ chức lồng ghép hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho gần 50.000 lượt hội viên. Liên đoàn Lao động tỉnh và cấp huyện đã tổ chức trên 90 buổi tuyên truyền trực tiếp về mục đích, mục tiêu của việc đào tạo nghề, học nghề cho trên 8.000 người tại các các xã, phường, thị trấn; đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 86 lớp dạy nghề dưới 3 tháng, với 2.978 LĐNT tham gia.

Để thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho LĐNT, hằng năm, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đều có kế hoạch nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề đảm bảo khối lượng kiến thức chuyên môn, kỹ năng phù hợp với người học. Các cơ sở cũng tích cực cập nhật, rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của người học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Trong đó, một số đơn vị đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng chương trình đào tạo; giáo trình theo từng mô đun, môn học, bài giảng chi tiết, mô hình học cụ, tranh ảnh, tài liệu hướng dẫn. Từ đó, giúp học viên dễ tiếp nhận kiến thức. Đặc biệt là tập trung vào kỹ năng thực hành để ngay sau đào tạo, người học trở thành người thợ thực thụ.

Do coi trọng chất lượng đào tạo nghề, nên tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo của Thái Nguyên đạt cao. Trong tổng số gần 46.000 người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, có hơn 35.700 người có việc làm ngay sau đào tạo. Trong đó 13.500 người được doanh nghiệp tuyển dụng; hơn 4.000 người được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hơn 700 người đi xuất khẩu lao động, hơn 14.000 người tiếp tục làm công việc cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng lên; hơn 3.000 người thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Quá trình đào tạo nghề cho LĐNT đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Điển hình như mô hình đào tạo nghề Kỹ thuật gia công bàn ghế, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng tại xã Tiên Phong (TP. Phổ Yên), thu hút gần 500 lao động, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Hay các mô hình đào tạo nghề Kỹ thuật chế biến và bảo quản sản phẩm chè tại thị trấn Hùng Sơn và xã La Bằng (Đại Từ) đã giúp hàng trăm LĐNT tăng thu nhập từ 3 triệu đồng lên gần 5 triệu đồng/người/tháng. Hoặc mô hình đào tạo nghề May công nghiệp gắn với giải quyết việc làm của Công ty TNHH May DG đã đào tạo và giải quyết việc làm cho hàng trăm LĐNT, với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Đào tạo nghề cho LĐNT đã thực sự mở thêm một lối thoát nghèo cho người dân ở các vùng khó của Thái Nguyên, đặc biệt là các vùng có nhiều đồng bào người dân tộc thiểu số sinh sống. Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục thực hiện khảo sát, lựa chọn nghề phù hợp với LĐNT để tổ chức đào tạo phù hợp như cầu thị trường lao động. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.