Để chuyển đổi số (CĐS) thành công thì hạ tầng số phải đi trước một bước. Xác định yếu tố hạ tầng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả và sự bền vững của CĐS, tỉnh Thái Nguyên đã ưu tiên, nỗ lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và đạt được nhiều kết quả.
Người dân xóm Đông Thắng (xã Bình Long, Võ Nhai) chia sẻ kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Internet di động 4G. |
Gần 2 năm nay, người dân xóm Nác, xóm đặc biệt khó khăn của xã Liên Minh (Võ Nhai), đã được tiếp cận với Internet thông qua hệ thống cáp quang băng thông rộng do VNPT cung cấp. Xóm có 205 hộ thì có 2/3 hộ đăng ký và được sử dụng Internet cáp quang băng thông rộng.
Anh Triệu Tiến Lưu, Bí thư Chi bộ xóm Nác, cho biết: Từ nền tảng Internet cáp quang, người dân có thể tiếp cận với nguồn dữ liệu phong phú trên mạng, các ứng dụng, tiện ích phục vụ đời sống, giải trí và đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến. Một số chòm dân cư trong xóm chưa có sóng điện thoại di động do địa hình rộng, chia cắt, đường xá khó khăn, bà con đã duy trì liên lạc qua các ứng dụng trên Internet.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, gần 100% xóm trên địa bàn tỉnh đã được kết nối Internet băng thông rộng qua hạ tầng mạng lưới cáp quang với tốc độ tải về trung bình đạt gần 80Mbps, tăng gần 30% so với năm 2021 và tương đương mức trung bình toàn quốc.
Ông Trần Ngọc Dĩnh, Trưởng Phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Để phục vụ công tác CĐS, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên quan tâm phát triển hạ tầng số gồm: Hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và hạ tầng trung tâm dữ liệu, các nền tảng ứng dụng.
Với hạ tầng viễn thông, bên cạnh phát triển mạng lưới Internet cáp quang băng thông rộng, tỉnh quan tâm phát triển mạng lưới viễn thông di động, đặc biệt tới các vùng sâu, vùng xa, vùng “lõm” thông tin.
Song song với hạ tầng viễn thông, hạ tầng CNTT cũng được quan tâm đầu tư xây dựng từ tỉnh đến xã. Trên cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT, các hệ thống thông tin được triển khai kết nối liên thông từ tỉnh đến xã và với Trung ương cùng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc và tiết kiệm chi phí.
Riêng năm 2022, tỉnh đã xây dựng và triển khai hạ tầng viễn thông, Internet băng rộng đến 19 xóm, trong đó 10 xóm được triển khai hạ tầng thông tin di động băng rộng và 9 xóm được triển khai hạ tầng cố định băng rộng; sắp xếp, chỉnh trang 18 tuyến cáp với tổng chiều dài gần 42km.
Trong năm, tỉnh cũng hoàn thành triển khai hạ tầng kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đối với 36 kênh cấp tỉnh, huyện và 142/178 kênh cấp xã, phường…
100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính của tỉnh có mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 100% cơ quan, đơn vị hành chính. Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%; tỷ lệ máy tính có kết nối Internet băng thông rộng đạt 100%.
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 86% người dân sử dụng các dịch vụ Internet với 1 triệu thuê bao Internet băng thông rộng di động, 246 nghìn thuê bao Internet băng thông rộng cố định; 1,3 triệu người dân sử dụng điện thoại, đạt tỷ lệ 95% số dân.
Các hệ thống thông tin được triển khai gồm: Cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang thông tin của sở, ban, ngành, địa phương; Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa tỉnh; hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; phần mềm quản lý văn bản và điều hành; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; ứng dụng Thái Nguyên ID, C-TháiNguyên.
Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa tỉnh được triển khai, kết nối liên thông từ tỉnh đến tất cả các huyện, thành phố, 178 xã, phường, thị trấn và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Kết thúc năm 2022, Thái Nguyên tiếp tục có những bước tiến quan trọng trong công tác CĐS, khẳng định vị thế ở top các tỉnh dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này. Toàn bộ các chỉ tiêu của Ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, 20 chỉ tiêu của mục tiêu chuyển đổi số và mục tiêu hạ tầng chuyển đổi số đều đạt kết quả cao. Kết quả này cũng là điều kiện để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 phát triển cáp quang băng rộng đến 100% xóm, phủ sóng 5G tại 100% khu trung tâm hành chính cấp xã, 80% hộ gia đình có Internet cáp quang, tốc độ kết nối băng rộng di động đạt 100Mbps, tốc độ kết nối băng rộng cố định đạt 200Mbps, tỷ lệ dân số sử dụng smartphone đạt trên 70%...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin