Năm 2022 khép lại, Thái Nguyên tiếp tục có những bước tiến quan trọng trong công tác chuyển đổi số, khẳng định vị thế ở top các tỉnh dẫn đầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chuyển đổi số như kỳ vọng, Thái Nguyên vẫn còn chặng đường dài đầy thách thức.
Cán bộ Ban Quản lý ATK số hóa dữ liệu 3D các di tích phục vụ khách truy cập trực tuyến. |
Khẳng định vị thế
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2022, toàn bộ các chỉ tiêu của Ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, 20 chỉ tiêu của mục tiêu chuyển đổi số và mục tiêu hạ tầng chuyển đổi số đều đạt kết quả cao.
Tiêu biểu như: Chỉ tiêu tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh được xử lý trên môi trường mạng đạt 90%, vượt 10% kế hoạch; chỉ tiêu về doanh nghiệp số đạt 324 doanh nghiệp, vượt 8% kế hoạch; chỉ tiêu cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh đạt 100%, vượt 10% kế hoạch; chỉ tiêu tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 60%, vượt 20% kế hoạch; chỉ tiêu thuê bao truy nhập Internet băng rộng di động đạt 1 triệu thuê bao, vượt gần 10% kế hoạch…
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số với nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, về chính quyền số, điểm đột phá nhất vẫn là cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Toàn tỉnh đã có một hệ thống dùng chung rất căn bản gồm: Quản lý văn bản, dịch vụ công, mạng truyền số liệu chuyên dùng, cổng thông tin điện tử, hội nghị truyền hình. Các nền tảng này vận hành tốt, giúp việc quản lý, điều hành của các cấp được thuận lợi, nhanh chóng.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đỗ Xuân Hòa. |
Riêng hệ thống quản lý văn bản mỗi năm không chỉ tiết kiệm 8 tỷ đồng ngân sách nhà nước tiền vật tư mà còn thể hiện tính kịp thời rất cao, chỉ một bấm chuột là văn bản, công văn lập tức chuyển đến cơ sở.
Toàn tỉnh cũng duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công tỉnh Thái Nguyên; tích hợp và cung cấp 1.036 dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thái Nguyên lên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về kinh tế số và xã hội số, ứng dụng công nghệ số được quan tâm, thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực như: Triển khai thanh toán trực tuyến, Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp phát triển thương mại điện tử, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, du lịch…
Tính đến hết năm 2022, Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên có gần 6 triệu lượt người truy cập với tổng số hơn 2.500 sản phẩm được cập nhật, đã đăng 129 sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn, hiện tại Sàn có gần 300 đơn vị tự đưa được sản phẩm lên trực tiếp. Sàn đã được tích hợp trên phần mềm C-Thainguyen của tỉnh.
Đến hết năm 2022, có trên 190.000 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tạo tài khoản, đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp. Tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt 15.000 giao dịch.
324 doanh nghiệp số trên địa bàn năm 2022 đã đóng góp giá trị kinh tế 26 tỷ đô la, đứng top đầu cả nước. Với mô hình chợ 4.0, dù mới được triển khai từ đầu năm 2022 nhưng toàn tỉnh đã có 82/139 chợ theo mô hình này…
Hành trình mới
Chia sẻ về các trụ cột chuyển đổi số và nhiệm vụ thời gian tới, ông Đỗ Xuân Hòa cho rằng: Chúng tôi xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ lâu dài, có ngày khởi đầu chưa có ngày kết thúc. Yêu cầu của nhiệm vụ này liên tục thay đổi lên cấp độ khác cao hơn. Trước mắt, năm 2023, chúng tôi đã xác định một số mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện đối với ngành Thông tin và Truyền thông. Trong đó, nhiệm vụ trước tiên là tham mưu với tỉnh triển khai thực hiện tốt Năm dữ liệu quốc gia 2023 theo phát động của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện nay, các ngành trong tỉnh đều đang xây dựng cơ sở dữ liệu của riêng mình và đây là các dữ liệu rất giá trị đối với công tác chuyển đổi số nên chúng tôi sẽ là cầu nối giữa các ngành để tạo ra một cơ sở dữ liệu chung, tổng hợp của các ngành để giúp công tác quản lý nhà nước và cả người dân được tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Ba Nhất (xã Phú Thượng, Võ Nhai) hướng dẫn người dân sử dụng mã QR. |
Bên cạnh đó, Ngành đặt mục tiêu phấn đấu 100% xóm, xã có sóng điện thoại; mỗi người trưởng thành có một điện thoại thông minh, một tài khoản ngân hàng; bảo đảm người dân thực sự sử dụng được dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 từ những thủ tục đơn giản đến phức tạp; phát huy hiệu quả, đi vào chiều sâu hoạt động của 22,5 nghìn tổ công nghệ số cộng đồng.
Ngành cũng phấn đấu tham mưu cho tỉnh thực hiện hoàn thành việc thành lập và khởi công xây dựng Khu CNTT tập trung Yên Bình, đồng thời tăng cường thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Nông thôn mới, Giảm nghèo thông tin, Phát triển kinh tế, xã hội vùng đặc biệt khó khăn….
Ứng dụng Thái Nguyên ID: Đến hết năm 2022, có 74.000 lượt cài đặt; 3.500 tài khoản eKYC; 340 hồ sơ việc làm; 6.5000 tin thuê nhà; 6.000 tin tuyển dụng; 16.000 tin rao vặt, 2.000 tin voucher, hơn 100 tin phản ánh hiện trường. Thực hiện Đề án 06, các đơn vị trong ngành Y tế đã phối hợp với Công an tỉnh xác thực dữ liệu tiêm chủng, trang bị chữ ký số cho 100% trạm y tế xã, phường thị trấn. Đến nay, 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử (222 cơ sở). |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin