Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng phát triển toàn cầu, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số (CPS) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó yêu cầu: “Rà soát, cập nhật khung năng lực, chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin tích hợp kỹ năng số cho cán bộ, công chức Nhà nước…”. Để thực hiện tốt Quyết định trên cần nghiên cứu xây dựng khung năng lực số của cán bộ, công chức (CBCC) hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển CPS.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng trao Giấy chứng nhận đơn vị xếp thứ hai về Chỉ số DDCI cấp sở, ban, ngành năm 2022 cho lãnh đạo Sở TT&TT (tháng 6-2023). |
CPS là một khái niệm mới xuất hiện trong những năm gần đây, được hiểu là sự ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
CPS là chính phủ có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn; đưa ra quyết định, ban hành chính sách và sử dụng nguồn lực tối ưu; dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia và giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
CPS có khả năng mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, như: “Tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; cải thiện chất lượng dịch vụ công; giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp; tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”.
Do vậy, CĐS mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia. Các nước đang phát triển thậm chí có thể tận dụng cơ hội để phát triển CĐS nhanh hơn. Và đây cũng là cơ hội để Việt Nam vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia.
Năm 2019, Liên hợp quốc công bố bảng xếp hạng CPS, theo đó, Việt Nam đứng thứ 86 trên tổng số 193 quốc gia. Những thách thức được chỉ ra giúp nước ta trong thời gian tới xây dựng được một CPS mạnh, nâng cao vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng gồm: Hạ tầng số; nguồn nhân lực; an toàn, an ninh mạng; tầm nhìn của người lãnh đạo; thể chế và khung pháp lý; tư duy hệ thống; vốn đầu tư và năng lực xã hội.
Do “nguồn nhân lực” là một trong những hạn chế chính trong việc thực hiện CPS. Vì vậy, trước mắt cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) hành chính am hiểu, có khả năng, kỹ năng về năng lực số, thực thi hiệu quả chức trách, nhiệm vụ trên môi trường số. Trong đó chú trọng xây dựng: Năng lực CNTT-TT; năng lực tư duy sáng tạo; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực học tập và thích ứng... Đây là các năng lực cơ bản mà mọi CBCC cần phải có để có thể sử dụng hiệu quả CNTT.
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. |
Bên cạnh đó, để thực hiện thành công CPS, ngoài việc yêu cầu CBCC hành chính chủ động học hỏi nâng cao kỹ năng công nghệ và kỹ năng xã hội của năng lực số... thì việc “Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng khung năng lực số dành cho CBCC hành chính” theo phân loại như đối với khung năng lực nói chung là công việc cấp thiết. Trong đó tập trung vào 3 nhóm cụ thể: Năng lực chung; năng lực chuyên môn và năng lực lãnh đạo, quản lý.
Nhóm năng lực chung: Những kiến thức và kỹ năng CNTT đòi hỏi xem xét lại yêu cầu công việc và trở thành khung năng lực chung, sử dụng đại trà cho tất cả các vị trí ở các ngành nghề khác nhau, bao gồm: Kiến thức hiểu biết về thông tin, dữ liệu môi trường số; khả năng trao đổi thông tin trong môi trường; khả năng làm việc với các hệ thống phân tích thông tin; khả năng giải quyết công việc trong trục liên thông văn bản điện tử giữa các cơ quan và tạo lập nội dung số; khả năng bảo đảm an toàn thông tin môi trường số; khả năng giải quyết sự cố môi trường số.
Nhóm năng lực chuyên môn: Năng lực chuyên môn bao gồm kiến thức, kỹ năng sử dụng các phương pháp, công cụ quản lý cũng như giải quyết những vấn đề phức tạp trong môi trường số ở lĩnh vực chuyên môn cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ tại mỗi cơ quan, đơn vị, cụ thể: Sử dụng các công cụ quản lý (vận dụng các phương pháp chuyên ngành quản lý trong quá trình, chương trình, dự án chuyển đổi số trong hệ thống quản lý nhà nước); quản lý và sử dụng dữ liệu (hiểu và ứng dụng các phương pháp, công nghệ thu thập, phân tích dữ liệu để thiết kế các mô hình tổ chức, quản lý...); quản lý phát triển số (hiểu và ứng dụng các phương pháp quản lý chiến lược, quản lý kinh tế số và CPS cũng như công cụ đánh giá mức độ phát triển số...); ứng dụng các công nghệ số (hiểu và ứng dụng các phương pháp quản lý hệ thống CNTT, các công cụ và phương pháp an toàn thông tin...); phát triển hạ tầng CNTT (hiểu và ứng dụng các công nghệ văn bản, sử dụng hạ tầng CNTT, phát triển các hệ thống bảo vệ dữ liệu).
Nhóm năng lực lãnh đạo, quản lý: Hai yếu tố quan trọng nhất cho thành công của CĐS là lãnh đạo đúng đắn và tổ chức hỗ trợ cho những thay đổi, những ai không sẵn sàng thay đổi tư duy, phương thức làm việc thì không thể thích ứng được với CĐS.
Đặc biệt, nhà lãnh đạo CĐS là người đứng đầu tổ chức, có tầm nhìn, thiết lập được sứ mệnh cho tổ chức, có niềm tin là công nghệ số, CĐS giúp giải quyết những vấn đề phức tạp của tổ chức và kiên định với mục tiêu đặt ra.
Hiện nay, năng lực của nhà lãnh đạo CĐS đòi hỏi ở mức độ cao hơn, phức tạp hơn trong bối cảnh CĐS ở khu vực công...
Có thể nói, yêu cầu phát triển CPS, kinh tế - xã hội số trong không gian số thống nhất, liên thông quy trình giải quyết nhiệm vụ... đòi hỏi CBCC hành chính phải nâng cao kiến thức, kỹ năng CNTT để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong thực thi công vụ.
Do đó, việc xây dựng khung năng lực số chi tiết để làm cơ sở đề xuất các chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho CBCC hành chính Việt Nam trong thời gian tới là hết sức cần thiết.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin