Giao dịch tại Bộ phận Một cửa xã Tức Tranh. |
Xóm Khe Cốc hiện có 142 hộ, chủ yếu là sản xuất chè với tổng diện tích gần 80ha. Từ năm 2022, Khe Cốc được UBND xã Tức Tranh lựa chọn xây dựng xóm NTM thông minh. Từ nguồn xã hội hóa, đến nay hạ tầng Internet cáp quang và di động 4G đã bao phủ đến 100% hộ dân. Nhà văn hóa được lắp đặt wifi miễn phí phục vụ bà con học tập, tra cứu thông tin. Các tuyến đường giao thông trục chính của xóm đã lắp đặt trên 100 bóng đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời và các camera để đảm bảo an ninh.
Đến nay, trên 80% người dân trong độ tuổi lao động có điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy vi tính kết nối Internet. Nhiều mặt hàng nông sản, nhất là sản phẩm tiềm năng OCOP đã được giới thiệu, quảng bá, giao dịch mua, bán qua Internet…
Ông Tô Văn Khiêm, Trưởng xóm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Khe Cốc, cho biết: Chúng tôi nhận thấy rõ hiệu quả từ công tác chuyển đổi số mang lại. Hiện trong xóm đã thành lập các nhóm Zalo nhằm trao đổi công việc, hỗ trợ nhau sản xuất chè và triển khai mọi công việc. Người dân cũng được tập huấn sử dụng các phần mềm, nền tảng số như: C-ThaiNguyen, Thái Nguyên ID, VssID…, mở tài khoản thanh toán trực tuyến các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ viễn thông, học phí...
Bên cạnh thí điểm xây dựng xóm thông minh, UBND xã Tức Tranh còn tập trung hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng công nghệ số, phát triển mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng điện tử. Đơn cử như tại HTX Sản xuất trà an toàn Thái Ninh (thuộc cụm Khe Cốc) đang bán 70% tổng sản lượng chè nhờ vào các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. HTX xuất bán trên 1 tấn chè búp khô mỗi tháng, với giá trung bình 300-500 nghìn đồng/kg, cao hơn so với bán trực tiếp cho thương lái trong khu vực khoảng 10-20%.
Anh Nguyễn Thái Ninh, Giám đốc HTX Sản xuất trà an toàn Thái Ninh, cho biết: Mạng xã hội giúp chúng tôi kết nối rộng hơn, qua đó tìm được hàng nghìn khách hàng tiềm năng, tỷ lệ khách quay lại mua lần 2 cũng đạt tới 70-80%. Bên cạnh đó, HTX cũng đẩy mạnh bán hàng thông qua website riêng HTX, chợ thương mại điện tử và mạng xã hội khác như: Shoppee, Lazada, Tiktok…
Theo kết quả rà soát đối chiếu với hướng dẫn tạm thời của Bộ Nông nghiệp và PTNT về xây dựng xã NTM thông minh, Tức Tranh đã đạt chủ đề về Chính quyền điện tử định hướng chính quyền số trong tổng số 6 nhóm chủ đề, đạt 10/18 mục tiêu và 30/39 chỉ tiêu. Các nhóm chủ đề chưa đạt gồm: Hạ tầng số; Dịch vụ nông thôn; Kinh tế nông thôn; Quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Để hoàn thành các nhóm chủ đề này, UBND xã đã đề xuất 7 mô hình thí điểm với kinh phí thực hiện là 6,5 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ 6 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách là 500 triệu đồng), gồm: Số hóa dữ liệu hồ sơ thuộc quản lý của UBND xã, dữ liệu dân cư, chủ thể sản xuất, kinh doanh, ngành nghề trên địa bàn; Quản lý số, truy xuất nguồn gốc dành cho vùng trồng chè; Ứng dụng công nghệ cao quản lý chất lượng cho chủ thể OCOP; Quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm du lịch, ẩm thực và sản phẩm OCOP; Xây dựng chợ thông minh; Hệ thống hạ tầng phục vụ các hoạt động trong xây dựng xã NTM; Tuyên truyền đào tạo và nâng cao năng lực về các hoạt động thực hiện các tiêu chí xã NTM thông minh.
Ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức tranh, cho biết: Xây dựng NTM thông minh là nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai còn nhiều lúng túng, vướng mắc. Cchúng tôi đã và đang tích cực tham mưu với cấp trên, các ngành chức năng các giải pháp. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Qua đó nhận được sự ủng hộ của nhân dân cùng chung tay hoàn thiện các chủ đề, mục tiêu, chỉ tiêu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin