1 trong 15 chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) là phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%. Để hiện thực mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với cơ quan, doanh nghiệp phát triển dịch vụ thanh toán hiện đại và tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch, mua sắm…
Chợ 4.0 đã thúc đẩy công tác chuyển đổi số, đẩy mạnh giao dịch, mua sắm không dùng tiền mặt trong nhân dân. Trong ảnh: Người dân mua thực phẩm tại chợ Tân Đức (Phú Bình) quét mã QR thanh toán. |
Tìm hiểu thực tế tại chợ Tân Đức (Phú Bình), chúng tôi rất bất ngờ khi mua mấy bắp ngô, rau củ quả đều được đề nghị chuyển khoản. Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên, chị Nguyễn Thị Quyên, một tiểu thương bán hàng rau tại chợ Tân Đức, phấn khởi nói: Giờ nhiều người đi chợ không phải lo cầm theo tiền, có khi bất cẩn còn rơi mất. Cứ có tiền trong tài khoản mua ở trên “giời” (đặt hàng trên các kênh bán hàng trực tuyến) hay dưới đất đều được.
Tương tự chợ Tân Đức, mô hình chợ 4.0 đã có mặt ở khắp các địa phương trong tỉnh. Tân Đức là 1 trong 7 chợ triển khai mô hình chợ 4.0 từ đầu năm 2023. Hiện, trên 90% tiểu thương trong chợ đều thanh toán không dùng tiền mặt.
Kết quả trên có được là do từ cuối năm 2022, UBND huyện Phú Bình đã phối hợp với Viettel Thái Nguyên tổ chức chương trình ra quân triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ Úc Sơn (thị trấn Hương Sơn). Tại đây, Viettel Thái Nguyên và Tổ công nghệ số cộng đồng đã hướng dẫn các chủ cơ sở kinh doanh thực hiện cài đặt ứng dụng Viettel Money, tạo tài khoản thanh toán, tạo mã QR, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Sau khi triển khai tại chợ Úc Sơn, UBND huyện Phú Bình đã triển khai nhân rộng ở 7 chợ gồm: chợ Đồn (xã Kha Sơn), Hanh (xã Điềm Thụy), Tân Khánh, Tân Đức, Cầu (xã Nhã Lộng), chợ Cầu Mây (xã Xuân Phương) và chợ Bảo Lý. Việc thanh toán không dùng tiền mặt được phát triển rộng rãi tại 13/13 chợ cấp xã của huyện Phú Bình.
Việc triển khai nhân rộng mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai ở 107 chợ 4.0 (đạt 100% các chợ đủ điều kiện triển khai). Qua đó, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình CĐS của tỉnh.
Đặc biệt, với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, Thái Nguyên là điển hình trong việc triển khai tạo tài khoản an sinh chi trả chính sách xã hội. Tổng số đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã được tạo tài khoản là 72.554 đối tượng đạt 89%, trong đó số tài khoản đối tượng người có công là 16.310/19.250 đối tượng, đạt 85,4%; đối tượng bảo trợ xã hội là 38.114/41.348 đối tượng, đạt 91,5%; đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo là 18.130 đối tượng, đạt 92%.
Bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện chương trình, kế hoạch CĐS, phát triển thương mại điện tử, các sở, ngành, địa phương đã đẩy mạnh các dịch vụ công, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Tiêu biểu phải kể đến Cục Thuế tỉnh đã tích cực triển khai CĐS trong công tác thu ngân sách, phối hợp với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử, đồng thời bổ sung hình thức cho phép người nộp thuế lập giấy nộp tiền điện tử vào ngân sách nhà nước trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế và Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, 100% giao dịch nộp thuế của người nộp thuế được thực hiện qua ngân hàng.
Đối với Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị hành chính nhà nước, sự nghiệp công lập tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử. Đến nay, 100% chứng từ thu ngân sách được thực hiện qua hệ thống ngân hàng thương mại. 100% cơ sở giáo dục, đào tạo đã thực hiện thanh toán tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức qua tài khoản ngân hàng và đẩy mạnh triển khai thu học phí không dùng tiền mặt; 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện lắp đặt POS, mã QR Code để phục vụ thu viện phí qua thẻ ngân hàng, niêm yết tài khoản của đơn vị để người bệnh thanh toán các dịch vụ qua Smart banking, ví điện tử…
Với dịch vụ thanh toán tiền điện online, Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, đồng thời đã ký hợp đồng hợp tác với các ngân hàng và tổ chức trung gian để cung cấp dịch vụ thu hộ tiền điện, với cách làm này, khách hàng có thể thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi và được miễn phí giao dịch.
Một trong 15 chỉ tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU về CĐS là phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số của Thái Nguyên có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, cả tỉnh đang có hơn 2,2 triệu tài khoản, đạt mục tiêu đề ra.
Nhìn vào kết quả trên có thể khẳng định, CĐS nói chung và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, đã từng bước nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Thực hiện hiệu quả phương thức này chính là giải pháp để mỗi người dân Thái Nguyên đều trở thành công dân số, tiến tới xây dựng chính quyền số hiệu quả, thiết thực.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin