Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an ninh lương thực và giá lương thực trong nước không tăng quá cao. Xuất khẩu gạo phải gắn với tiêu thụ nội địa, góp phần giúp Nhà nước ổn định giá cả trong nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần sớm hoàn thành đề án về Chiến lược đảm bảo an ninh lương thực
Cơn “sốt gạo ảo” cuối tháng Tư vừa rồi mới làm cho chúng ta nhận ra rằng, cho dù có thừa gạo để xuất khẩu, nhưng chưa chắc đã đảm bảo được an ninh lương thực.
An ninh lương thực của một quốc gia được đánh giá bằng một hệ thống hàng chục chỉ tiêu. Nhưng điều quan trọng hơn là từng quốc gia phải tổ chức được hệ thống phân phối, có chính sách đảm bảo cơ hội tiếp cận nguồn lương thực cho mọi người với giá cả phù hợp. Nếu không thì sẽ có nơi, có lúc xảy ra tình trạng là người có tiền cũng không mua được gạo, chứ không chỉ là người nghèo thiếu tiền mua do giá gạo tăng cao.
Trong trường hợp này, để xử lý khẩn cấp phải có mệnh lệnh hành chính. Và Thủ tướng đã ra lệnh. Lúc đó mới lòi ra rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước kể cả Trung ương và địa phương đang tích trữ đến hàng trăm ngàn tấn gạo. Đó là chưa kể các doanh nghiệp tư nhân và cả sự liên kết của tư thương với doanh nghiệp Nhà nước. Theo chúng tôi, ngành công an cùng quản lý thị trường cần nhanh chóng điều tra về những kẻ đầu cơ gạo trong cơn sốt ảo vừa qua, sớm công bố kết quả kể xử lý nghiêm mới có tác dụng răn đe. Nếu không thì rồi sẽ đến lúc có lệnh của Chính phủ các doanh nghiệp cũng không làm theo.
Nói gì thì nói, mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an ninh lương thực và giá lương thực trong nước không tăng quá cao. Xuất khẩu gạo phải gắn với tiêu thụ nội địa, góp phần giúp Nhà nước ổn định giá cả trong nước. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần sớm hoàn thành đề án về Chiến lược đảm bảo an ninh lương thực, trong đó duy trì diện tích lúa tối thiểu từ 3,8-4 triệu ha, nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời đảm bảo sinh kế lâu dài cho nông dân.