Những năm gần đây, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để phát huy tốt vai trò uỷ thác các nguồn vốn vay, làm cầu nối giúp hội viên phát triển kinh tế. Tính đến hết tháng 10-2022, tổng dư nợ do các cấp hội nông dân huyện nhận ủy thác từ NHCSXH là trên 154,2 tỷ đồng, với 3.723 hộ vay.
Nhờ vay vốn chính sách để phát triển kinh tế, năm 2021, gia đình chị Lê Thị Tuyết, hội viên Chi hội Nông dân xóm Ấp Chè, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), đã thoát nghèo. |
Bà An Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ, cho biết: Hội Nông dân huyện hiện có trên 15.000 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 142 chi hội. Xác định nhận ủy thác là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội luôn giám sát, đảm bảo nguồn vốn được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát huy hiệu quả, Hội tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp như: Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV); thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích. Đặc biệt, Hội quan tâm tạo điều kiện cho các hộ là hội viên nông dân nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế…
Tại Đồng Hỷ, Hội Nông dân xã Văn Hán là một trong những đơn vị sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH gắn với phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững. Thông qua nguồn vốn vay NHCSXH, nhiều hội viên đã phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Điển hình là chị Lê Thị Tuyết, Chi hội Nông dân xóm Ấp Chè. Năm 2019, chị vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn thoát nghèo của NHCSXH để cải tạo đất trồng chè, mua cây giống tốt, đầu tư vật tư phân bón để trồng, chăm sóc chè cành giống mới theo quy trình VietGAP. Nhờ nguồn thu ổn định từ 8 sào chè cành, mỗi năm gia đình chị Tuyết thu nhập trên 100 triệu đồng. Đến năm 2021 gia đình chị đã thoát nghèo. Hiện, chị Tuyết đang tiếp tục vay vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế.
Cũng từ nguồn vốn tín dụng chính sách, quy mô sản xuất, nuôi, trồng của nhiều hộ đã phát triển từ nhỏ lẻ, manh mún thành các mô hình sản xuất, kinh doanh gia trại, trang trại, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tiêu biểu như hộ ông Phan Đức Hiện ở xóm Bãi Vàng, xã Hợp Tiến; Vũ Trí Long ở xóm 5, thị trấn Sông Cầu... mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, công tác quản lý vốn vay cũng được Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ chú trọng. Hội chủ động phân công cán bộ thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ để bảo đảm tiền được sử dụng đúng mục đích; tăng cường kiểm tra, thu hồi nợ theo đúng quy định pháp luật…
Hội cũng kiểm tra 100% tổ TK-VV, giám sát nguồn vốn. Qua kiểm tra, 88 tổ TK-VV thực hiện đúng các công đoạn ủy thác, hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có ý thức hoàn trả vốn đúng kỳ hạn, không có nợ quá hạn. Đặc biệt, để giúp hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, Hội quan tâm phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hàng trăm lượt hội viên nông dân mỗi năm…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin