Cùng với khuyến khích, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, TP. Sông Công đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản; thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững ở địa phương.
Người dân phường Châu Sơn (TP. Sông Công) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn. |
Từ nhiều năm nay, khâu làm đất và thu hoạch hơn 9 sào lúa của gia đình bà Đào Thị Thứ, tổ dân phố Vinh Quang 1, phường Châu Sơn, đã sử dụng hoàn toàn bằng máy móc. Điều này giúp gia đình bà tiết kiệm được nhân công mỗi khi vào mùa vụ, hoạt động sản xuất đảm bảo kịp thời vụ và thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Không chỉ gia đình bà Thứ, hầu hết các hộ dân ở TP. Sông Công đã sử dụng mày cày, bừa trong khâu làm đất; máy gặt đập liên hoàn để thu hoạch lúa hay các loại máy móc để chế biến, bảo quản nông sản...
Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công: Cơ giới hóa trên đồng ruộng không chỉ giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân công trong sản xuất, mà còn tiết kiệm chi phí và thời gian, giảm sự thất thoát trong khâu thu hoạch. Nhằm đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân, TP. Sông Công đã huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân đưa các loại phương tiện máy móc vào phục vụ sản xuất.
Cùng với đó, thành phố khuyến khích doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư, trang bị máy móc phù hợp với điều kiện sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thiết bị giới thiệu sản phẩm, giúp nông dân tiếp cận với những máy móc, thiết bị phù hợp với thực tế sản xuất. Từ đầu năm 2022 đến nay, TP. Sông Công đã hỗ trợ 3 máy chế biến chè tại xã Bình Sơn, Bá Xuyên; hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm trên cây chè và cây ăn quả với diện tích 30ha tại các xã, phường...
Theo thống kê, hiện nay, toàn thành phố có trên 350 chiếc máy làm đất loại vừa và nhỏ, đảm bảo cơ giới hóa khâu làm đất trên 90% diện tích đất lúa trong từng vụ; trong đốn và chế biến chè, tuốt, vò lúa đã được cơ giới hóa 100%.
Việc chủ động cơ giới hóa trên địa bàn đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật như: sản xuất cây ăn quả tại xã Tân Quang, Bá Xuyên; sản xuất chè tại xã Bình Sơn, Bá Xuyên; sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Bá Xuyên, Tân Quang và phường Châu Sơn...
Việc đưa máy móc vào phục vụ chăn nuôi gà đã giúp trang trại của gia đình anh Trần Văn Triệu, ở tổ dân phố 4B, phường Phố Cò (TP. Sông Công) hoạt động hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. |
Đơn cử như trong sản xuất chè, các loại máy móc chế biến thủ công, lạc hậu đã được thay thế bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp (tôn quay inox, máy sao chè bằng gas, điện) đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng chè. Ngoài việc khâu chế biến, thời gian qua, các cơ sở sản xuất cũng tăng cường đầu tư máy móc cho khâu đóng gói, bảo quản (sử dụng máy hút chân không, máy ủ hương, bảo quản lạnh), cải tiến mẫu mả sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại, gia trại trên địa bàn TP. Sông Công đã chủ động đưa máy móc vào sản xuất, giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Từ đó, tạo điều kiện cho người chăn nuôi phát triển quy mô đàn, hướng đến chăn nuôi theo hướng hàng hóa, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đến nay, trên 80% trang trại chăn nuôi sử dụng hệ thống chuồng trại hiện đại, máng ăn, uống nước tự động; lắp đặt hệ thống camera giám sát...
Chia sẻ về vấn đề này, anh Trần Văn Triệu, tổ dân phố 4B, phường Phố Cò, nói: Việc chăn nuôi gà đẻ của gia đình hiệu quả hơn khi máy móc được đưa vào sử dụng ở hầu hết các khâu. Toàn bộ số gà đẻ được nuôi ở tầng trên, phân thải dưới sàn có hệ thống cào tự động đưa ra vị trí tập kết bên ngoài. Công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi được dùng máy phun thuốc sát trùng công suất lớn, vừa bảo đảm hiệu suất, vừa tiết kiệm nhân công…
Từ thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. Sông Công thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp nông dân gieo trồng đúng khung thời vụ, mà còn giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, cơ giới hóa cũng góp phần làm thay đổi nhận thức của nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó đến nay, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn ước đạt 800 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp đạt 116 triệu đồng/ha, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021...
Dựa trên những kết quả đã đạt được, thời gian tới, TP. Sông Công tiếp tục khuyến khích người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay để đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ... phục vụ sản xuất. Từ đó, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, khắc phục tình trạng thiếu nhân công vào vụ thu hoạch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin