Phú Bình nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn

Vi Vân 08:07, 01/12/2022

Để hoàn thiện hạ tầng giao thông, thời gian qua, huyện Phú Bình đã huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành và sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân. Qua đó, từng bước nâng cấp, làm mới các tuyến giao thông nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của bà con.

100% tuyến đường trục xã  tại Phú Bình đã được cứng hóa.

Huyện Phú Bình có tuyến Quốc lộ 37 và một số tỉnh lộ đi qua địa bàn, với tổng chiều dài 91,4km. Địa phương cũng có gần 95km đường huyện, 320km đường xã và 660km đường xóm, ngõ xóm. Đây là điều kiện thuận lợi để kết nối Phú Bình với các địa phương khác, giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng, thuận tiện. Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, 100% tuyến đường trục xã đã được cứng hóa; khoảng 77% tuyến đường xóm, nội đồng được bê tông hóa.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình, cho biết: Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của hạ tầng giao thông nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn, trong đó trọng điểm là Đề án xây dựng, quản lý, bảo trì đường giao thông giai đoạn 2021-2026. Theo đó, Phú Bình tập trung cải tạo, nâng cấp trên 300km đường xóm và nội đồng do UBND cấp xã quản lý với tổng kinh phí trên 320 tỷ đồng; chủ động phối hợp với các xã, thị trấn rà soát và lập danh mục ưu tiên xây dựng các tuyến đường theo lộ trình; thường xuyên cử cán bộ kiểm tra các tuyến đường trên địa bàn nhằm phát hiện kịp thời hư hỏng để có biện pháp khắc phục…

Bà con xóm Nghể, xã Nga My, tiến hành xây mới, mở rộng mặt đường.

Theo ông Nguyễn Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Nga My: Xã hiện có 19,2km đường trục xã, 20,9km đường trục xóm, ngõ xóm. Năm nay, xã được phân bổ gần 1.440 tấn xi măng để hoàn thiện 14 tuyến đường. Bởi vậy, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể ngay từ đầu năm, giao cho các tổ chức hội, đoàn thể và các xóm tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường. Với nguồn xi măng được cấp trên phân bổ, từ năm 2021 đến nay, Nga My đã nâng cấp, sửa chữa được 10,7km đường trục xã, xóm và ngõ xóm, trong đó, người dân hiến trên 3.000m2 đất, phá dỡ 1.450m tường rào để mở rộng mặt đường. Đến nay, 100% tuyến đường trục xã đã được cứng hóa, 80% tuyến đường trục xóm, ngõ xóm được đổ bê tông hóa, giúp bà con đi lại dễ dàng.

Ông Dương Văn Lắm, Trưởng xóm Nghể, xã Nga My, nói: Đầu tháng 10 vừa qua, bên cạnh sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động 95 hộ dân (khoảng 400 nhân khẩu), đóng góp 40 triệu đồng, hiến 250m2 đất để đổ bê tông 160m đường ngõ xóm. Nhờ đó, đến nay 100% đường ngõ xóm đã được cứng hóa.

Không riêng xã Nga My, từ năm 2019 trở lại đây, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Bình đã được phân bổ 55.200 tấn xi măng để nâng cấp, mở rộng trên 342km đường giao thông nông thôn, với tổng trị giá khoảng 420 tỷ đồng. Cùng với đó, người dân đã hiến trên 437.000m2 đất, đóng góp ngày công và tiền mặt để hoàn thiện các tuyến đường.

Ngoài ra, năm 2022, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Phú Bình cũng phân bổ trên 20 tỷ đồng cho các xã để thực hiện 23 công trình đường giao thông trong năm nay và quý I/2023.

Có được kết quả trên là do sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với sự tham gia tuyên truyền tích cực của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Phú Bình để tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đắc Vinh, để đầu tư hạ tầng giao thông một cách đồng bộ cần nguồn kinh phí lớn. Trong khi ngân sách của huyện còn hạn chế, đời sống người dân khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương chưa nhận được sự đồng thuận cao...

Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới, các phòng, ban chuyên môn của huyện Phú Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án xây dựng, quản lý, bảo trì đường giao thông để bà con hiểu và phối hợp thực hiện; tiếp tục rà soát, lập danh mục ưu tiên các tuyến đường giao thông cần cải tạo, sửa chữa cấp bách; tham mưu với UBND huyện lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư thực hiện; phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường…


Từ khóa:

hạ tầng

giao thông

nông thôn