Bao năm vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, nhưng nay, một số nông dân ở huyện Đại Từ đã có thêm công việc mới - làm du lịch. Việc kết hợp du lịch với nông nghiệp được kỳ vọng góp phần tăng nguồn thu nhập cho bà con nông dân, đồng thời khai thác những lợi thế về nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn huyện.
Cây chè đang mang lại "lợi ích kép" cho người dân Đại Từ, khi vừa đem về nguồn thu nhập ổn định, vừa thu hút khách du lịch với các hoạt động trải nghiệm gắn với văn hóa trà. |
Những công việc nhà nông như: Trồng hoa, trồng rau, hái chè… không quá xa lạ với mỗi gia đình nông dân ở xã La Bằng (Đại Từ). Thế nhưng, những công việc này lại đang trở thành "sản phẩm" phục vụ khách du lịch tại Vườn hoa sinh thái Quyền Chinh, ở xóm Tân Sơn.
Anh Nông Văn Quyền, chủ Vườn hoa sinh thái Quyền Chinh, chia sẻ: Gia đình tôi đã nhiều đời gắn bó với nghề nông, đến thời chúng tôi cũng vậy. Tuy vậy, sau một vài chuyến tham quan, tôi nhận thấy quê mình cũng có nhiều cảnh đẹp, đất đai rộng rãi, khí hậu lại ôn hòa, nếu không làm du lịch thì quả thực lãng phí. Vậy là hai vợ chồng tôi nung nấu ý tưởng xây dựng một địa điểm du lịch ngay trên chính mảnh ruộng, nương chè nhà mình. Với vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng, chúng tôi san gạt đồi bãi, bố trí các tiểu cảnh phù hợp để du khách có thật nhiều góc tham quan, chụp ảnh, song vẫn phải giữ được cảnh quan tự nhiên vốn có và không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của gia đình.
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2021, Vườn hoa sinh thái Quyền Chinh có tổng diện tích 9.000m2, với điểm nhấn là khu vườn nhiều màu sắc của các loại hoa cánh bướm, tam giác mạch, cúc họa mi, hướng dương… Lối ra vườn là những con đường nhỏ trải đá quanh co, hòa cùng cỏ cây xanh mướt hai bên. Một số tiểu cảnh được nhiều bạn trẻ thích thú, như: nấc thang lên thiên đường, vườn rau su su, vầng trăng khuyết… Từ khi đi vào hoạt động, địa điểm này đã thu hút trên 3.000 lượt khách đến tham quan.
Vườn hoa sinh thái Quyền Chinh thu hút khá đông du khách đến tham quan, trải nghiệm. |
Tại đây, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động hái chè, chế biến chè cùng bà con địa phương. Không chỉ được gọi là “thiên đường để sống ảo”, du khách khi đến đây còn được thưởng thức ẩm thực cá tầm đủ món, gà đồi, cá suối... Anh Quyền cho biết thêm: Để nhà vườn vận hành đồng bộ như hiện nay, vợ chồng tôi đã mất rất nhiều công sức, tiền của để cải tạo. Nhiều hạt giống đã gieo xuống phải bỏ đi do không phát triển như mong muốn, không hợp khí hậu. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những phản hồi tích cực của du khách là động lực để chúng tôi cố gắng phát triển hơn nữa. Ngoài các thành viên trong gia đình, hiện Vườn có 5 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, tại các xã, thị trấn khác của huyện Đại Từ, nhiều địa điểm lưu trú dưới dạng homestay, cơ sở phục vụ ăn uống cũng đang phát triển, được du khách yêu thích, đánh giá cao trên các diễn đàn, mạng xã hội như: Quân Chu farm, Hoàng Nông farm…
Hiện nay, mô hình du lịch trên địa bàn huyện Đại Từ chủ yếu dựa trên cơ sở cảnh quan tự nhiên và các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất chè. Những năm gần đây, nhiều hộ dân, hợp tác xã, tổ hợp tác đã quan tâm chỉnh trang đồi chè, tạo dựng không gian thưởng trà, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, phát triển đa dạng các sản phẩm chè làm quà biếu để phục vụ du khách. Đồng thời, góp phần lan tỏa, đưa thương hiệu chè Đại Từ vươn xa.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè La Bằng, cho biết: Ngoài hoạt động sản xuất, vài năm gần đây, chúng tôi còn đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm đồi chè, cùng tham gia hái chè và chế biến chè với bà con. Thành viên HTX là những người làm chè sẽ trực tiếp hướng dẫn, trải nghiệm cùng du khách. Và nhằm hướng tới phát triển chuyên nghiệp, chúng tôi đang tích cực cử các thành viên tham dự nhiều lớp tập huấn về du lịch, đi tham quan các mô hình du lịch nông thôn trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh cây trồng thế mạnh là chè, thì vườn cây ăn quả trải khắp các xã Khôi Kỳ, Tiên Hội, Hoàng Nông, Quân Chu… cũng bước đầu được bà con đưa du khách vào trải nghiệm. Đặc biệt là những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đơn cử như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hòa Bình, ở xã Khôi Kỳ. Với mục tiêu hướng đến xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm, HTX đã tập trung phát triển các cây trồng như: nho hạ đen, hoa lan các loại...
Ông Lê Đăng Ánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Hòa Bình, cho hay: Về cơ bản chúng tôi đã xây dựng được không gian xanh để du khách yêu thích nông nghiệp đến trải nghiệm. Nhiều du khách sau tham quan còn mua nông sản về làm quà. Việc kết hợp với du lịch cũng là một hình thức tiêu thụ nông sản, khi cung cấp cho người tiêu dùng biết rõ quy trình sản xuất từ khâu đầu vào đến đầu ra, tiêu thụ sản phẩm an toàn tại chỗ.
Qua các mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch tại Đại Từ có thể thấy, từ những người nông dân thuần túy, đến nay, nhiều bà con đã chủ động tham gia các lớp tập huấn, tự trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức ứng xử trong giao tiếp cùng du khách. Từ đó, giới thiệu những đặc trưng về cuộc sống, hoạt động sản xuất hằng ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù du lịch kết hợp nông nghiệp đang có những tín hiệu phát triển mạnh ở Đại Từ thời gian gần đây, song trên thực tế, các mô hình vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát. Và để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển bài bản, chuyên nghiệp, địa phương này còn nhiều việc cần làm.
Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, từ cuối năm 2021, huyện Đại Từ đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn, với tổng kinh phí đầu tư dự kiến gần 300 tỷ đồng. Tháng 7/2022, huyện tiếp tục ban hành Đề án phát triển khu du lịch sinh thái La Bằng, Hoàng Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí thực hiện gần 270 tỷ đồng. Đây chính là động lực thúc đẩy du lịch, nông nghiệp, nông thôn ở địa phương phát triển bền vững và có chiều sâu. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin