Những năm qua, đời sống của bà con nông dân trên địa bàn huyện Đại Từ ngày càng được cải thiện, với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Kết quả này có được một phần nhờ vào sự hỗ trợ, đồng hành của Hội Nông dân (HND) huyện thông qua nhiều hoạt động thiết thực giúp các hội viên phát huy thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
Cán bộ, hội viên nông dân ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ) trao đổi kinh nghiệm trồng cây dược liệu. |
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở xóm Đồng Nghè và xóm Đầu Cầu, xã Cát Nê, là một trong những mô hình được HND các cấp hỗ trợ và bước đầu cho hiệu quả.
Bà Trần Thị Hiểu, Chủ tịch HND xã Cát Nê, thông tin: Xã thành lập được Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản với 10 thành viên. Năm 2020, thông qua HND huyện, Tổ được tiếp cận với vốn vay 500 triệu đồng (50 triệu đồng/hộ) từ nguồn của tỉnh. Từ đây, bà con có điều kiện đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm con giống, chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Đến nay, toàn Tổ đã phát triển lên trên 40 con bò sinh sản, tăng hơn gấp đôi so với trước. Nhiều hộ trong xã có thu nhập ổn định từ chăn nuôi bò sinh sản như chị Nguyễn Thị Hương, anh Trần Văn Thiệp…
Tương tự, trên cơ sở tư vấn, hỗ trợ của HND, tại các xã, thị trấn khác, nhiều chi hội, tổ hội nghề nghiệp được hình thành, tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi...
Có thể kể đến như: Chi hội nghề nghiệp nuôi ong mật ở xã An Khánh; các chi hội nghề nghiệp sản xuất chè VietGAP ở xã Bản Ngoại, xã Hoàng Nông, xã La Bằng… Bên cạnh đó, nhiều bà con nông dân còn tự nguyện liên kết xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi. Từ năm 2021 đến nay, các cấp HND huyện Đại Từ đã trực tiếp và phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ nông dân xây dựng được 16 hợp tác xã, 30 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, nhờ vào hoạt động ủy thác qua HND, người dân nhanh chóng tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết năm 2022, HND huyện Đại Từ đã thực hiện tiếp nhận vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 154 tỷ đồng, với 3.390 hộ vay; gần 320 tỷ đồng nhận ủy thác từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, với trên 2.800 hộ vay vốn.
Đến nay, tổng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân là trên 5,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn của Trung ương là 1,8 tỷ đồng, nguồn của tỉnh là 2,7 tỷ đồng, số còn lại là nguồn của huyện. Từ năm 2019 đến nay, HND huyện Đại Từ đã triển khai khoảng 20 dự án phát triển sản xuất, với tổng nguồn vốn đã cho vay trên 7 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Mỳ, Chủ tịch HND huyện Đại Từ, nói: Với mục tiêu hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, HND huyện ưu tiên hỗ trợ cho các phương án sản xuất khả thi, mô hình liên kết theo nhóm hộ (nhóm ít nhất là 4 hộ, nhóm đông nhất là 20 hộ). Trong quá trình vay vốn, chúng tôi thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hội viên…
Nói về sự hỗ trợ của tổ chức HND, ông Nguyễn Duy Hòa, ở xóm Đồng Ninh, xã Bản Ngoại, cho hay: Những kinh nghiệm trồng trọt tôi có được là nhờ tích cực tìm tòi, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn do HND huyện, các cấp, ngành tổ chức tại địa phương. Từ chỗ nắm chắc kiến thức về cách phòng trừ sâu bệnh hại, phương pháp trồng trọt an toàn… tôi đã mạnh dạn chuyển diện tích đất đồi trồng keo sang trồng các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, táo, ổi… Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu 400-500 triệu đồng từ vườn cây ăn quả.
Mang ý nghĩa “trao cần câu” cho hội viên nông dân, các hoạt động tập huấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cũng được HND huyện Đại Từ đẩy mạnh. Hằng năm, Hội thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho khoảng 20.000 lượt hội viên/năm.
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, ngày càng nhiều người dân mong muốn tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội. Năm 2022, HND huyện kết nạp thêm trên 760 hội viên, nâng tổng số hội viên lên trên 30.500 người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin