Chọn đối tác công nghệ cao để xúc tiến đầu tư

Sơn Trường 22:45, 23/02/2023

Đó là một trong những định hướng lớn mà Thái Nguyên đặt ra khi triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) vào tỉnh năm 2023. Chương trình XTĐT của tỉnh được công bố mới đây cho thấy, các đối tác được lựa chọn XTĐT vào Thái Nguyên đến từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, là thành viên của các hiệp định FTA đa phương với Việt Nam như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan...

Khu công nghiệp Điềm Thụy có nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động.
Khu công nghiệp Điềm Thụy có nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động.

Theo đó, thông qua các hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc gửi tài liệu, video, tỉnh Thái Nguyên sẽ giới thiệu tới các nhà đầu tư lớn của nước ngoài về tiềm năng, lợi thế, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào tỉnh. Thông qua các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, qua các bộ, ngành liên quan và các tổ chức XTĐT, đại diện XTĐT nước ngoài tại Việt Nam để thực hiện các hoạt động XTĐT.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tạo niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài bằng chính sự quan tâm, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn kịp thời của lãnh đạo tỉnh với các dự án đầu tư vào Thái Nguyên. Liên tục làm mới cách thức giới thiệu, quảng bá để đáp ứng tất cả các nhu cầu tìm hiểu của nhà đầu tư. Các thông tin về đầu tư đều được thể hiện bằng 4 thứ tiếng: Việt - Anh - Nhật - Hàn gắn kèm mã QR để nhà đầu tư tiện truy cập, theo dõi.

Mục tiêu XTĐT của tỉnh năm 2023 theo hướng lựa chọn đối tác lớn, công nghệ hiện đại là hoàn toàn có cơ sở và khả thi. Bởi thực tế, tỉnh Thái Nguyên đang sở hữu đầy đủ các yếu tố cần thiết để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, ngay cả những nhà đầu tư khó tính nhất.

Thái Nguyên có trên 30 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên tới hàng nghìn héc ta, trong đó cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng và có chủ đầu tư hạ tầng. Đáng chú ý, các khu, cụm công nghiệp được tỉnh quy hoạch ở vị trí thuận lợi, dễ dàng lưu thông. Đã có 270 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực tại các khu công nghiệp, trong đó có 135 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư hơn 10 tỷ USD. Có 65 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 9.400 tỷ đồng.

Thái Nguyên được biết đến với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, có hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước hiện đại, cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện…

Mấy năm gần đây, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, nhưng Thái Nguyên vẫn giữ vững “thành trì”, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kép, tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của cả nước.

Riêng trong năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh đạt 59,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ. Trong năm, tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 850 doanh nghiệp, nâng tổng doanh nghiệp của tỉnh lên con số 8.850, vốn đăng ký khoảng 129.300 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm 2022 cũng là năm có nhiều nhà đầu tư, dự án được chấp thuận, cấp phép đầu tư, nâng tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực lên 854 dự án với số vốn đăng ký trên 150.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 20 dự án FDI với vốn đăng ký trên 1,5 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI lên 171 với vốn đầu tư gần 10,3 tỷ USD.

Như vậy có thể thấy, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang nhất quán thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, trong đó tập trung phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm...

Năm 2023, năm bản lề của nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh quyết tâm thu hút các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đủ năng lực tài chính, thương hiệu, có sức lan tỏa, đưa khoa học công nghệ và nguồn vốn lớn vào đầu tư, kinh doanh trên địa bàn; hạn chế tối đa thu hút các dự án có quy mô nhỏ lẻ, sử dụng nhiều diện tích đất và gây ô nhiễm môi trường để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư vào tỉnh.