Kỳ vọng thị trường lao động hết khó

Nguyễn San 01:23, 10/02/2023

Những tháng đầu năm 2023, thị trường lao động cả nước tiếp tục có những biến động. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 1-2023, cả nước có trên 500 doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng khiến trên 600.000 lao động bị ảnh hưởng. Dự báo trong quý I này, thị trường sẽ giảm khoảng 75 nghìn lao động. Đây là vấn đề đáng lo ngại đối với những địa phương có thị trường lao động lớn như Thái Nguyên.

Tư vấn tuyển dụng lao động. Ảnh minh họa
Tư vấn tuyển dụng lao động. Ảnh tư liệu

Thực tế cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số ngành hàng quan trọng, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động như may mặc, da giầy, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ… tiếp tục gặp khó khăn. Điều đó buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm thêm, giờ làm việc bình thường.

Tại Thái Nguyên, ngay từ cuối năm 2022, tình trạng này đã diễn ra phổ biến tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có thời điểm một số doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Yên Bình tại TP. Phổ Yên đã phải dừng hoạt động từ 20% đến 30% dây chuyền sản xuất do lượng hàng tồn kho lớn, người lao động phải nghỉ việc luân phiên hoặc nghỉ hẳn.

Đến thời điểm này, tuy đã được cải thiện, song số lượng người lao động trở lại làm việc chưa đạt mức như bình thường. Nguyên nhân được xác định là do sức mua ở các thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh; xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt; chính sách tiền tệ thắt chặt, giá cả leo thang khiến tổng nhu cầu hàng hoá trong nước và thế giới giảm sút. Chính điều đó khiến các doanh nghiệp xuất khẩu bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến người lao động bị giảm việc, mất việc.

Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù dịch COVID-19 đã lắng xuống, song với không ít quốc gia, mức độ ảnh hưởng vẫn còn lớn. Sau mấy năm gặp đại dịch, sức khoẻ của các nền kinh tế chưa thể phục hồi như bình thường.

Các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ đã và đang phải cắt giảm chi tiêu do tác động của lạm phát. Do đó, sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng ra thị trường quốc tế gặp khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam chủ yếu lấy xuất nhập khẩu làm động lực tăng trưởng và phát triển. Vì thế, không có đơn hàng từ thị trường quốc tế chắc chắn sản xuất trong nước gặp khó khăn, lao động bị cắt giảm.

Theo dự báo, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động thiếu việc làm diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó có Thái Nguyên sẽ kéo dài đến hết quý I năm nay, thậm chí có thể sang cả quý II.   

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng với sự điều tiết của Chính phủ, sự vào cuộc của các ngành và địa phương, sự điều chỉnh hợp lý cơ cấu ngành hàng của các doanh nghiệp, thị trường lao động sẽ nhanh chóng phục hồi.

Tín hiệu mới nhất chính là việc Trung Quốc - thị trường lớn của thế giới tiếp tục mở cửa một cách toàn diện với Việt Nam, sẽ tạo chuyển biến về lao động và việc làm của chúng ta.

Ngoài ra, các thị trường mà chúng ta có cam kết đang là hướng mở để giải quyết lao động xuất khẩu của Việt Nam. Và một thông tin quan trọng đối với người lao động của Thái Nguyên và khu vực lân cận là sự phục hồi trở lại của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô.

Theo kết quả mới nhất từ phiên giao dịch việc làm trực tuyến của 10 tỉnh, thành trong khu vực phía Bắc diễn ra ngày 9/2/2023, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã có nhu cầu tuyển dụng tới gần 56.000 lao động, trong đó doanh nghiệp Thái Nguyên cần tuyển khoảng 1.000 lao động…