Mặc dù trong tháng 1/2023, Thái Nguyên là địa phương duy nhất của cả nước xuất siêu đến con số tỷ USD, song so với kế hoạch năm, giá trị hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh mới đạt 7,3% (tương đương 2,55 tỷ USD, trong khi kế hoạch cả năm là 35 tỷ USD). Nhiều khó khăn, thách thức đang ở phía trước, nhất là trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp.
Nhóm hàng điện thoại thông minh, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam (ở phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên). |
Nhìn lại năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt xấp xỉ 30 tỷ USD, trong khi kế hoạch là 32 tỷ USD (bằng 93,75%). Năm nay, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp tục đứng trước nguy cơ lạm phát và suy thoái. Cùng với đó là sự ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài gần 1 năm, khiến việc thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu càng trở nên khó khăn.
Trở lại với kết quả Thái Nguyên là tỉnh duy nhất đạt giá trị xuất siêu hàng tỷ USD trong tháng 1/2023 (cụ thể là 1,08 tỷ USD). Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 2,55 tỷ USD, tăng 25,4% so với tháng trước đó, nhưng chỉ tương đương so với cùng kỳ năm 2022.
Sở dĩ tỉnh đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cao so với tháng trước đó là bởi trong 15 ngày cuối cùng của năm 2022, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT) hầu như không có hoạt động xuất khẩu, trong khi đây là doanh nghiệp (DN) chiếm tới trên 90% tổng giá trị xuất khẩu cả tỉnh. Vì thế, trong tháng 12/2022, tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt 1,435 tỷ USD (trong khi, bình quân chung của 11 tháng trước đó đạt 2,585 tỷ USD/tháng). Bước sang năm 2023, hoạt động xuất khẩu của SEVT cơ bản trở lại bình thường, hàng tồn kho tháng 12 đã được xuất. Cùng với đó, thời điểm này Samsung chuẩn bị cho ra mắt dòng sản phẩm mới là S23 tại thị trường Mỹ vào ngày 2/2/2023, nên giá trị hàng hóa xuất khẩu của DN này đã ổn định trở lại.
Theo ông Nguyễn Đăng Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên: Trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tháng 1/2023, Samsung đóng góp 2,324 tỷ USD (chiếm 91%).
Còn theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, trong 7 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của tỉnh, 3 nhóm có giá trị xuất khẩu trong tháng 1 ước đạt cao hơn cùng kỳ, gồm: phụ tùng vận tải đạt 0,7 triệu USD, tăng 36,9%; sản phẩm may đạt 42,4 triệu USD, tăng 9,5%; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 0,4 triệu USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
4 nhóm hàng hóa còn lại có giá trị xuất khẩu ước đạt thấp hơn, gồm: điện thoại thông minh, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác giảm 9% (tháng 1/2022 đạt 2,495 tỷ USD); kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 25,4 triệu USD, giảm 4,7%; chè các loại đạt 0,2 triệu USD, giảm 5,7%; sản phẩm từ sắt thép đạt 2,6 triệu USD, giảm 18,7%.
Tuy là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh, nhưng xuất khẩu sản phẩm chè chưa tương xứng với tiềm năng. |
Nhìn vào 7 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ yếu trên địa bàn tỉnh, ngoài điện thoại thông minh, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác, có thể thấy giá trị xuất khẩu của 6 nhóm hàng còn lại chỉ đạt từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu USD. Do đó, việc tăng hay giảm của các nhóm sản phẩm này không tác động quá lớn đến chỉ tiêu chung của Thái Nguyên. Đối với SEVT, chỉ cần DN này gặp khó khăn trong hoạt động hoặc thị trường xuất khẩu, sẽ lập tức tác động mạnh đến hàng loạt DN phụ trợ, cũng như kết quả xuất khẩu của cả tỉnh.
Vậy căn cứ nào để Thái Nguyên đưa ra mục tiêu giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2023 đạt 35 tỷ USD? Theo đại diện Sở Công Thương và Cục Thống kê tỉnh: Đó là việc SEVT sẽ hoạt động hết công suất và Dự án giai đoạn 2 của Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) với số vốn tăng thêm 920 triệu USD đầu tư vào Khu Công nghiệp Yên Bình, dự kiến từ tháng 9/2023 sẽ đi vào sản xuất đại trà...
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu còn có sự đóng góp của các DN may mặc, dự án Núi Pháo và việc một số nhà máy tại Khu công nghiệp Sông Công II, các cụm công nghiệp trên địa bàn... được hoàn thiện, thu hút được các dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, ngành Công Thương và các sở, ngành liên quan của tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của DN, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án; triển khai rà soát tình hình sản xuất của từng ngành, đặc biệt là các ngành may mặc, sản xuất kim loại, cơ khí, các DN trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... tại các khu, cụm công nghiệp; tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thống nhất cho các DN; cải cách hành chính, đảm bảo công khai và giải quyết nhanh gọn các thủ tục liên quan đến cấp phép cho các nhà đầu tư…
Rõ ràng, Thái Nguyên đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đóng góp vào kết quả tăng trưởng và phát triển của tỉnh. Đồng thời cũng là cơ sở để năm 2023, tỉnh sẽ thực hiện điều tiết về ngân sách Trung ương với tỷ lệ 4%, trở thành tỉnh thứ 18 tự cân đối ngân sách.
Tuy nhiên, với việc một số chỉ tiêu chính phụ thuộc rất lớn vào một số DN FDI đã và đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền các cấp bài toán về sự phát triển cân đối, bền vững. Từ thực tế này cho thấy rất cần thêm những dự án lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cũng như sự vươn lên mạnh mẽ của chính các DN.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin