Những năm gần đây, huyện vùng cao Võ Nhai đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ các loại nông sản địa phương. Qua đó giúp cho nông sản vùng cao nâng cao chất lượng, mở rộng địa bàn và hình thức tiêu thụ.
Huyện Võ Nhai tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương kết hợp với các tour du lịch tham quan vườn cây ăn quả. |
Năm 2021, thời điểm những vườn na ở Võ Nhai vào kỳ chín rộ, trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hàng nghìn tấn na của huyện gặp khó về đầu ra. Trước thực trạng này, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công Thương làm việc với một số đầu mối doanh nghiệp để đưa sản phẩm na Võ Nhai vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị lớn (như GO! Thái Nguyên, Winmart, Lan Chi, Minh Cầu…) và các điểm bán lẻ khác. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá về sản phẩm na Võ Nhai đến với người tiêu dùng cả nước.
Song song với đó, huyện cũng hỗ trợ người trồng na kết nối với thương lái các tỉnh để vận chuyển na qua kênh Bưu điện Thái Nguyên; phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp đưa quả na lên bán tại các sàn thương mại điện tử Voso, PostMart, thainguyentrade.vn... Thành quả là toàn bộ sản lượng 4,5 nghìn tấn na được tiêu thụ hết, với giá tương đương những năm trước. Tính chung, mùa vụ năm đó, người trồng na toàn huyện thu về gần 90 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết: Việc quả na tiếp cận được với nhiều siêu thị, trung tâm thương mại và các sàn thương mại điện tử đã mở ra cho địa phương cách làm mới trong việc tìm đầu ra cho nông sản. Từ đó, mở ra những giải pháp mới trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ nông sản ở vùng cao Võ Nhai.
Về phía cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Anh Thống, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Võ Nhai, thông tin: Để tạo lực đẩy cho nông sản, hàng hóa của địa phương vươn xa hơn trên thị trường, những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất - kinh doanh tham gia các hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Với các sản phẩm OCOP, huyện phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các chủ thể duy trì hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tạo gian hàng và đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử uy tín như: Lazada, Tiki, Shopee, Voso, PostMart…
Đến nay, trên địa bàn huyện Võ Nhai có trên 60% diện tích chè giống mới. Trong ảnh: Nông dân xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng, thu hái chè. |
Đặc biệt, huyện Võ Nhai cũng đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp và là đầu mối cho các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài huyện kết nối. Đồng thời, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất bền vững gắn với chuyển đổi số.
Năm 2022, huyện phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na và nông sản tỉnh. Hoạt động này đã giúp cho các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, khách hàng để hợp tác và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Anh Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX mỳ, bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá, chia sẻ: Năm 2021, chúng tôi đầu tư trên 1 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị sản xuất bún khô, phở khô với quy mô lớn nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng, với tham vọng đưa những sản phẩm này tiêu thụ rộng khắp trong toàn quốc. Với sự hỗ trợ của huyện Võ Nhai, sản phẩm của HTX đã được mở rộng kênh tiêu thụ ra địa bàn TP. Thái Nguyên và các huyện, thành khác trong tỉnh. Sản phẩm cũng được hỗ trợ tiêu thụ tại một số tỉnh, thành phố lớn trong khu vực, trên các sàn thương mại điện tử và bước đầu cho kết quả khả quan. Qua đó, HTX duy trì doanh thu đạt 200-250 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương, với thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng
Song song với các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, huyện Võ Nhai cũng chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Hằng năm, huyện triển khai nhiều hoạt động như: tập huấn chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; vận động các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; lựa chọn, đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất…
Đến nay, toàn huyện có trên 60% diện tích chè (tương đương trên 700ha) giống mới, cho năng suất cao; 250ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP. Về cây ăn quả, nhiều giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất như: bưởi da xanh; bưởi Diễn; ổi Đài Loan; bưởi Hoàng... đem lại giá trị cao, với mức thu bình quân từ 300-500 triệu đồng/ha. Đến nay, đã có trên 300ha cây ăn quả trên địa bàn được chứng nhận VietGAP và gắn tem truy xuất nguồn gốc; trên 30% người dân sử dụng các loại phân bón hữu cơ và phân vi sinh...
Bên cạnh đó, hàng trăm mô hình đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thành công, đem lại giá trị kinh tế cao như: mô hình trồng chè hữu cơ sinh học của chị Vũ Thị Vương, xóm Chiến Thắng, xã Bình Long, mỗi năm sản xuất trên 2 tấn chè hữu cơ với giá trị thu được gần 1 tỷ đồng; mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm na VietGAP tại xã La Hiên giúp duy trì đầu ra ổn định và tăng giá trị sản phẩm…
Từ những nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Võ Nhai phát triển ổn định và có bước tăng trưởng tốt. Riêng năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn huyện đạt trên 998 tỷ đồng, tăng gần 45% so với năm 2015 (690 tỷ đồng); giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng cây lâu năm đạt gần 90 triệu đồng, tăng 55% so với năm 2015.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin