Là địa phương thuộc diện khó khăn của huyện Phú Bình, những năm qua, xã Nga My đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Từ đó từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gia đình chị Trần Thị Bằng (đứng bên trái), ở xóm Bờ Trực, xã Nga My (Phú Bình) đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ một con bò nái sinh sản và giới thiệu vào làm tạp vụ tại một công ty ở Khu công nghiệp Điềm Thụy. |
Khoảng 10 năm trở về trước, Nga My là xã nghèo của huyện Phú Bình. Bà con trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp, giao thông chưa được kết nối với trung tâm huyện và một số xã lân cận… gây cản trở cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Nga My, cho biết: Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra mục tiêu giảm nghèo hàng năm. Theo đó, xã đã chỉ đạo tổ chức, đoàn thể phối hợp với các xóm thực hiện đầy đủ chế độ chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo; huy động nguồn lực, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các nguồn sinh kế, vốn vay ưu đãi…; tập trung giải quyết việc làm cho người lao động; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân…
Thoát nghèo từ 2 năm trước và hiện đang có cuộc sống ổn định, chị Trần Thị Bằng, ở xóm Bờ Trực, chia sẻ: Gia đình tôi chỉ có hai mẹ con. Năm 2018, gia đình tôi được hỗ trợ một con bò nái sinh sản. Từ đó đến nay, năm nào bò cũng sinh một con bê con. Nhờ số tiền bán bê, trung bình 12-15 triệu đồng/con, mẹ con tôi có thêm một khoản thu nhập. Cùng với đó, tôi được giới thiệu vào làm tạp vụ cho một công ty ở Khu Công nghiệp Điềm Thụy, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống đã bớt khó khăn hơn trước rất nhiều.
Không chỉ gia đình chị Bằng, nhiều hộ nghèo khác trên địa bàn xã Nga My cũng được hỗ trợ bò nái sinh sản từ Dự án “Quỹ bò Xuân Dịp” (do Công ty TNHH Thái Phong và Quỹ Thiện tâm, thuộc Tập đoàn VinGroup tài trợ). Sau 5 năm thực hiện, với 9 hộ nghèo được lựa chọn tham gia (tổng kinh phí thực hiện trên 550 triệu đồng), Dự án đã giúp 100% số hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh việc kêu gọi các nguồn tài trợ nhằm giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn về sinh kế, xã Nga My còn đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ để giảm nghèo bền vững ở địa phương. Đơn cử như xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hộ nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Tính đến tháng 3 năm nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã là gần 29 tỷ đồng. Trong đó vốn dành cho hộ nghèo là trên 4 tỷ đồng, hộ cận nghèo là 6,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, để giúp hộ nghèo an cư, từ năm 2018 đến nay, xã Nga My còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện rà soát hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở. Từ đó ưu tiên nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết. Theo đó, đã có 7 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà, với kinh phí 50 triệu đồng/nhà. Đến nay, các hộ đều có chỗ ở và cuộc sống ổn định…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, xóm cùng chung tay giúp đỡ người nghèo, số hộ nghèo trên địa bàn xã Nga My (theo kết quả rà soát cuối năm 2022) giảm còn 137 hộ, chiếm 4,89% (giảm 10,4% so với năm 2016, tương đương 243 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 5,39% (giảm 3,87% so với năm 2016); thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên 52 triệu đồng/người/năm (tăng 20 triệu đồng so với năm 2016).
“Thời gian tới, Nga My sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ về sinh kế, giúp hộ nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình; là “cầu nối” giúp hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng; giải quyết việc làm cho người lao động… nhằm hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hoành cho biết thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin