Cách trung tâm huyện Đại Từ không xa là những cánh đồng quanh năm bạt ngàn màu xanh của các loại rau màu, cây ăn quả ở xã Bản Ngoại. Nhờ đặc thù đồng đất màu mỡ cùng kinh nghiệm thâm canh nên những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã chứng minh hướng đi đúng đắn khi gia tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác, góp phần cải thiện đời sống cho nông dân Bản Ngoại.
Cán bộ chuyên môn hướng dẫn, trao đổi kỹ thuật trồng, chăm bón rau màu với bà con nông dân xóm Khâu Giang, xã Bản Ngoại. |
Những ngày này, trên các cánh đồng, việc gieo trồng, chăm bón rau màu của bà con nông dân xã Bản Ngoại diễn ra rất nhộn nhịp. Vừa thu hoạch xong lứa này, người dân đã tranh thủ làm đất ngay để xuống giống lứa rau màu mới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên thị trường.
Vừa nhanh tay tưới nước cho giàn dưa chuột đang lên xanh tốt, ông Nguyễn Văn Lân, ở xóm Khâu Giang, vừa trò chuyện với chúng tôi: Mùa nào thức ấy, cứ sau Tết Nguyên đán là chúng tôi bắt đầu trồng dưa chuột, đến khi thu hết lứa dưa thì chuyển sang trồng củ đậu, rồi trồng lúa. Việc luân canh các loại cây trồng theo mùa vụ được thực hiện trên diện tích 720m2, giúp cải thiện cấu trúc, tăng dinh dưỡng cho đất và góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế cho gia đình tôi. Đối với gần 2 sào đất ruộng cao hơn, tôi chuyển đổi sang trồng hồng xiêm. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi, những cánh đồng rau màu ở Bản Ngoại tươi tốt hơn, hứa hẹn mùa màng bội thu. Dường như trong suốt bốn mùa, đất đai ở đây không lúc nào ngơi nghỉ với đủ loại rau màu, như: dưa hấu, dưa lê, dưa bở, củ đậu, cà chua, ớt…
Bên cạnh yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây trồng khác nhau, Bản Ngoại còn có lợi thế về giao thông khi tuyến Quốc lộ 37 chạy dọc qua nhiều xóm của xã. Thêm nữa, các tuyến giao thông liên xã, liên xóm, nội đồng được đầu tư xây dựng hoàn thiện, thuận lợi cho việc thu mua nông sản của thương lái, vận chuyển vật tư nông nghiệp của bà con. Ngoài ra, xã còn có nguồn lao động trẻ, dồi dào với trên 5.000 người trong độ tuổi lao động.
Diện tích đất tự nhiên của xã Bản Ngoại là hơn 1.200ha, trong đó, đất nông nghiệp chiếm trên 900ha. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Bản Ngoại luôn khuyến khích người dân luân canh, tăng vụ, thay thế các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là các loại cây màu có giá trị cao.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Đảng ủy xã Bản Ngoại, cho biết: Trung bình mỗi năm, xã có khoảng 30ha chuyển đổi trồng màu bằng hình thức luân canh. Ngoài ra, Bản Ngoại còn có khoảng 24ha trồng cây ăn quả, trong đó, 6ha trồng tập trung cây ăn quả có múi. Để việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả, chúng tôi luôn đồng hành cùng bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất, định hướng người dân lựa chọn giống cây trồng phù hợp để đưa vào canh tác, tránh trồng ồ ạt cây trồng theo trào lưu dẫn tới hệ lụy “được mùa, mất giá”.
Nhờ đó, đến nay, tư duy sản xuất của người dân Bản Ngoại đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Từ chỗ trồng, chăm sóc các loại cây mang tính quảng canh, manh mún, tự cung tự cấp, bà con đã dần hướng tới sản xuất hàng hóa, sản xuất tập trung nhằm cung cấp số lượng lớn nông sản ra thị trường.
Nhờ hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều hộ dân đã tích cực trồng trọt, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Theo kết quả rà soát mới đây, thu nhập bình quân của người dân Bản Ngoại đạt 47 triệu đồng/người/năm (tăng gần gấp đôi so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 50% so với năm 2015, chỉ còn 13,8%.
“Nếu không tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì thu nhập của người dân khó được nâng cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khoanh vùng, phát triển vùng sản xuất các loại cây trồng có giá trị cao, thay thế những cây trồng kém hiệu quả; đồng thời, tăng cường tìm kiếm thị trường, hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản bền vững cho bà con…” - Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Bản Ngoại Nguyễn Hữu Đông cho biết thêm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin