Tiềm năng phát triển mô hình nuôi lợn Nậm Khiếu

Hoàng Hưng 09:00, 06/03/2023

Gần 3 năm phát triển trang trại nuôi lợn Nậm Khiếu, Công ty CP Đầu tư Nam Hòa Xanh (phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi tại Thái Nguyên với sản lượng lớn, giá trị cao. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là mô hình chăn nuôi phù hợp nhân rộng trên địa bàn tỉnh, mở hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Nhân viên Công ty CP Đầu tư Nam Hòa Xanh chăm sóc lợn Nậm Khiếu thương phẩm mới tách khỏi lợn mẹ.
Nhân viên Công ty CP Đầu tư Nam Hòa Xanh chăm sóc lợn Nậm Khiếu thương phẩm mới tách khỏi lợn mẹ.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Nậm Khiếu tại Thái Nguyên” thuộc Chương trình nông thôn miền núi - Bộ Khoa học và Công nghệ do Công ty CP Đầu tư Nam Hòa Xanh chủ trì và Viện Khoa học sự sống, Đại học Thái Nguyên là đơn vị hỗ trợ ứng dụng công nghệ.

Dự án có tổng kinh phí triển khai 4,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương là 2,11 tỷ đồng đầu tư cho con giống, chuyển giao công nghệ, một phần đầu tư nguyên vật liệu, công lao động. Còn lại là đối ứng của Công ty CP Đầu tư Nam Hòa Xanh vào hạ tầng trang trại, nhân công sản xuất, thức ăn và chi phí khác.

Thạc sĩ Dương Thị Khuyên, Viện Khoa học sự sống (Đại học Thái Nguyên) - chuyên viên phụ trách Dự án, cho biết: Lợn Nậm Khiếu là con lai giữa lợn nái địa phương với lợn đực rừng. Đây là giống lợn được nuôi lâu năm tại huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Lợn Nậm Khiếu có ưu điểm nổi bật như phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện chăn nuôi của khu vực miền núi phía Bắc, ít bệnh tật. Thịt và mỡ lợn thương phẩm thơm ngon, thịt săn chắc, da giòn, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán trên thị trường cao hơn các loại lợn khác. Giống lợn này đã được Viện Khoa học sự sống nghiên cứu, chọn lọc và nuôi thử nghiệm cho kết quả thích nghi tốt tại Thái Nguyên từ năm 2006.

Dự án được Nhà nước đầu tư 40 con lợn bố mẹ (37 lợn cái và 3 lợn đực giống) nuôi tại trang trại nằm trên địa bàn xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) của Công ty CP Đầu tư Nam Hoà Xanh.

Sau hơn nửa năm, lợn mẹ cho sinh sản lứa đầu tiên đạt trung bình 8 con/lứa. Toàn bộ lợn con sau cai sữa được giữ lại nuôi thương phẩm. Sau 10 tháng tuổi, lợn thương phẩm đạt trọnglượng từ 40-45kg/con, được tiêu thụ tại TP. Thái Nguyên và các địa phương lân cận.

Từng có nhiều năm nuôi các giống lợn nhập ngoại theo quy mô trang trại, anh Liêu Thanh Hùng, nhân viên phụ trách kỹ thuật Công ty CP Đầu tư Nam Hòa Xanh, đánh giá lợn Nậm Khiếu là giống lợn tương đối dễ nuôi. Theo anh Hùng: Ngoài lưu ý cần kéo dài thời gian cho lợn con bú sữa mẹ thì lợn Nậm Khiếu hoàn toàn dễ nuôi hơn các giống lợn nhập ngoại. Khi lợn đạt trọng lượng khoảng 15kg/con thì có sức đề kháng bệnh rất tốt. Với giống lợn này, chúng tôi chăn nuôi chủ yếu bằng hạt ngô, hạt mạch và thức ăn xanh như rau, chuối nên chất lượng thịt, mỡ thơm ngon, mang tính “đặc sản, hữu cơ”.

Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, Nam Hòa Xanh đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn Nậm Khiếu sinh sản và lợn Nậm Khiếu thương phẩm với tổng số lượng trên 1 nghìn con, giá bán ra cao hơn các giống lợn ngoại khoảng 30%, đạt từ trung bình khoảng 90-100 nghìn đồng/kg thịt hơi.

Để tăng hiệu quả, Công ty đã liên kết với chuỗi hệ thống Hoa quả sạch Fuji tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành, trong đó có 6 điểm bán lẻ trên địa bàn TP. Thái Nguyên với giá từ 150-200 nghìn đồng/kg.

Ông Nguyễn Công Dự, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Hòa Xanh, chia sẻ: Đây là giống lợn phù hợp với quy mô, quy trình vận hành của chúng tôi và phù hợp với nhu cầu thị trường, đầu ra thuận lợi. Chính vì thế, chúng tôi đã lên kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời mở rộng hợp tác chăn nuôi khi dự án kết thúc. Chúng tôi đặt mục tiêu xuất bán 1 nghìn con lợn thương phẩm ra thị trường mỗi năm, sẵn sàng cũng cấp con giống đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao và chuyển giao mô hình, quy trình kỹ thuật chăn nuôi cho các đối tác tham gia. Công ty hướng tới nhân rộng mô hình không chỉ trên địa bàn Thái Nguyên mà cả các tỉnh lân cận.

Để thực hiện mục tiêu chuyển giao khoa học kỹ thuận chăn nuôi lợn Nậm Khiếu rộng rãi trong cộng đồng, Dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn với thời gian 3 ngày/lớp cho 200 người chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Lương và Đồng Hỷ. Qua đó không chỉ truyền tải kỹ thuật chăn nuôi giống lợn này tới đông đảo người dân mà còn cung cấp hơn 100 con lợn Nậm Khiếu giống cho hàng chục hộ chăn nuôi thí điểm thành công ở quy mô nhỏ.