Những năm gần đây, huyện miền núi Định Hóa đã quan tâm triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - kinh doanh. Đó là một trong những giải pháp hiệu quả thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững trên vùng đất ATK.
Người dân xã Linh Thông (Định Hóa) tiếp cận với mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh. |
Năm 2021, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Sơn Thắng, xã Sơn Phú, là đơn vị được hỗ trợ theo Dự án liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP, chuyển đổi trồng chè theo hướng hữu cơ gắn với du lịch làng nghề. Theo đó, HTX được hỗ trợ 45 tấn phân bón hữu cơ, 3 tôn sao chè, 5 máy vò và 2 máy hút chân không. Sự hỗ trợ này đã giúp HTX chuyển đổi 30ha chè sang sản xuất theo hướng hữu cơ (chiếm 60% trong tổng diện tích chè của HTX).
Ông Vũ Văn Quang, Giám đốc HTX nông nghiệp Sơn Thắng, cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ các loại máy móc, phân bón, chúng tôi còn được cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật chăm sóc chè hữu cơ, quy trình sản xuất chè VietGAP cũng như việc đưa các loại máy móc vào chế biến, đóng gói sản phẩm. Kết quả, giá chè hữu cơ của HTX đạt 400-600 nghìn đồng/kg, cao hơn 1,5-2 lần so với trước đây.
Còn tại xã Linh Thông, 1 trong 3 xã đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa, hàng năm, người dân nơi đây đều được tiếp cận với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Cụ thể, năm 2020, xã được hỗ trợ 20 con bò sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo; năm 2021 được hỗ trợ 25 con bò và 3.000 con gà; năm 2022 được hỗ trợ 1.800 con giống vịt bầu cổ xanh.
Nhờ được tiếp cận với Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hội, xã Sơn Phú, đã bắt đầu sản xuất chè theo hướng hữu cơ. |
Ông Lưu Đình Chinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Linh Thông, cho biết: Dự án phát triển vịt bầu cổ xanh hỗ trợ cho 18 hộ là thành viên HTX nông nghiệp Ngọc Thịnh và một số hộ liên kết. Mặc dù Dự án triển khai chưa lâu nhưng đã đem lại kết quả khả quan. Lúc cao điểm, tổng đàn vịt bầu cổ xanh của xã là trên 3.500 con. Theo bà con, cứ 1.000 con vịt nuôi trên 3 tháng có thể đem về khoản lãi 20-30 triệu đồng, tùy vào giá cả thị trường và thức ăn chăn nuôi.
Theo báo cáo của UBND huyện Định Hóa, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được triển khai trên địa bàn huyện có tổng số vốn hơn 28 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân; hỗ trợ bà con mua sắm máy móc, nông cụ sản xuất, mua giống vật nuôi, cây trồng...
Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chỉ tính riêng trong hai năm 2021 và 2022, huyện Định Hóa được UBND tỉnh quyết định hỗ trợ theo 5 dự án, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Trong đó, 4/5 dự án được đánh giá đạt kết quả khá trở lên.
Điển hình như 2 dự án phát triển vùng nguyên liệu trồng cây quế theo chuỗi giá trị giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn 2021-2025. Thông qua các dự án này đã bước đầu định hình được vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn huyện và tăng thu nhập cho người dân từ kinh tế đồi rừng, với mức thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, từ nguồn vốn lồng ghép của các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Định Hóa đang triển khai rà soát đề xuất của các đơn vị. Trên cơ sở thực tế, UBND huyện sẽ chủ trì, giao nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các đơn vị đảm bảo tiêu chí, có khả năng phát huy tốt nguồn vốn hỗ trợ. Dự kiến, tổng nguồn vốn sẽ thực hiện trong năm 2023 là khoảng 11 tỷ đồng.
Ông Mông Đình Tinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cần có nguồn lực về con người, cụ thể là những người đủ năng lực, trình độ làm việc tại các HTX. Khi đó việc triển khai các dự án này mới nhanh và đạt hiệu quả cao. Thời gian tới là dịp cao điểm triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, với số lượng dự án lớn, nguồn lực đầu tư nhiều. Do vậy, chúng tôi đang tăng cường tổ chức các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, kết hợp đi thực tế học hỏi kinh nghiệm tại các địa phương khác trong việc đề xuất, triển khai, quản lý dự án…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin