Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh có lợi thế về cung - cầu bất động sản (BĐS) khi nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Cùng với đó, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, kéo theo lượng lớn lao động, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc, tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở. Song, các chuyên gia cho rằng thị trường BĐS tại Thái Nguyên hiện chưa hết khó khăn, cần có nhiều nguồn lực và cơ chế thích hợp, hiệu quả để từng bước phục hồi…
Giá đất tại Khu đô thị hồ Xương Rồng (TP. Thái Nguyên) hiện đang ở mức từ 45-60 triệu đồng/m2. |
Chưa khai thác hết tiềm năng
Tựu chung lại là tỉnh Thái Nguyên có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo nên sức hấp dẫn của thị trường. Tuy nhiên, thời điểm này thị trường BĐS tại tỉnh chưa hết khó khăn khi phải đối mặt với nhiều vấn đề chung của cả nước, như: Suy thoái kinh tế tác động đến các thành phần trong xã hội; Thiếu nguồn lực đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội, dự án BĐS cao cấp gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dự án BĐS công nghiệp; Chính sách quản lý của tỉnh trong việc hiến đất làm đường để chia tách thửa đất ảnh hưởng tới thị trường BĐS.
Thêm nữa là một số doanh nghiệp đầu tư BĐS tại tỉnh chỉ chú trọng đến việc tối ưu lợi nhuận nên tập trung đầu tư các dự án thuộc khu vực lõi của các thành phố: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên; trung tâm hành chính của một số huyện mà ít quan tâm tới dự án BĐS gần gũi với môi trường thiên nhiên, diện tích rộng để thu hút khách hàng cao cấp, khách nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cho biết: Tổng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản hiện ở mức trên 5% tổng nguồn vốn, tương khoảng 5.000 tỷ đồng. So với mức vốn đầu tư cho lĩnh vực BĐS bình quân chung của cả nước là 21% thì rất thấp. Thiếu vắng của thị trường BĐS hiện nay là thiếu dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở với công nhân, người lao động tự do trên địa bàn lại rất cao…
Giải pháp về nguồn lực
Để thúc đẩy thị trường BĐS trong tỉnh phát triển trở lại thì việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh phải được các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, vận dụng sáng tạo. Đặc biệt, mới đấy Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát phát triển an toàn, lành mạnh, trong đó nêu rõ các giải pháp, nguồn lực cho lĩnh vực này.
Riêng về vấn đề vốn dành cho thị trường BĐS, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có sự chỉ đạo cụ thể về mở rộng room tín dụng, hạ lãi suất cho vay nhằm kịp thời tháo gỡ để không chỉ ở các dự án BDS lớn mà mô hình đầu tư nhỏ, khách hàng cá nhân đều có cơ hội vay vốn mua nhà ở, mua đất phục vụ nhu cầu chính đáng.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Công thương Việt Nam (Vietinbank) - Chi nhánh Thái Nguyên, cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, Vietinbank Thái Nguyên dư nguồn vốn và cần kích cầu. Do vậy, vấn đề vốn dành cho thị trường BĐS được đơn vị tháo gỡ, khuyến khích nên những khách hàng đủ điều kiện vay để mua BĐS là nhà ở, đất nền, đất phục vụ sản xuất, kinh doanh sẽ được giải quyết ngay.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại chủ động có kế hoạch về nguồn để giải ngân gói 1.200 tỷ đồng dành cho thị trường BĐS. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, ngày 5/4/2023, đơn vị này đã có văn bản gửi chi nhánh các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Như vậy, vốn vay đối với một số dòng BĐS đã được giải quyết.
Ông Trần Chí Dũng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Thái Nguyên: Để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách trên 2.000 tỷ đồng từ tài nguyên đất, đơn vị đã tham mưu với UBND TP. Thái Nguyên thực hiện rà soát quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Việc đấu giá sẽ được TP. Thái Nguyên thực hiện công khai, đúng pháp luật và khi tổ chức, cá nhân trúng đấu giá, hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay. |
"Đòn bẩy" từ thủ tục hành chính
Ngoài vấn đề nguồn vốn, một số nhà đầu tư còn kiến nghị UBND tỉnh có chính sách ưu đãi về giao đất sạch, hỗ trợ lãi suất đối với các dự án nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, vì đây đang là đối tượng có nhu cầu thực về nhà ở.
Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS Lộc Sơn Hà, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ có nhiều thủ tục hành chính và thu hồi vốn kéo dài, lợi nhuận không bằng các dự án nhà ở thương mại nên chính quyền địa phương cần khuyến khích thông qua giao đất sạch, hỗ trợ 3- 4% lãi suất ngân hàng. Hiện có cơ chế về vốn vay nhưng lãi suất thương mại ở mức 7,8%/năm là cao, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia triển khai dự án nhà ở xã hội.
Hiện, quy hoạch chung cấp tỉnh đã được Chính phủ thông qua nên các dự án mới về BĐS sẽ thuận lợi về tiến trình giải quyết thủ tục hành chính Cùng với đó là 9 huyện, thành phố thường xuyên rà soát nhu cầu của các tổ chức, cá nhân về chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác sang đất ở đối với những khu vực phù hợp với quy hoạch khu dân cư hiện có để HĐND tỉnh bàn thảo, thông qua tại các kỳ họp chuyên đề, thường kỳ.
Riêng với những thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người dân kê khai và đủ điều kiện đề nghị chuyển mục đích sử dụng thành đất ở thì nên phân giao thẩm quyền cho HĐND cấp huyện xem xét, giải quyết.
Việc quản lý và tạo điều kiện để người dân chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác sang đất ở theo quy hoạch sẽ tăng nguồn thu cho các địa phương, nhất khu vực nông thôn, miền núi trong tỉnh. Việc làm này cũng giảm bớt được tình trạng người dân thiếu đất ở nên xây dựng nhà ở, công trình sản xuất trên đất nông nghiệp như thời gian qua.
Bà Phạm Thị Nghiêm (ở tổ dân phố Tân Thành 1, phường Đồng Bẩm, TP. Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi được cơ quan chức năng cấp quyền sử dụng đất gần 2.000m2, trong đó có 400m2 đất ở. Tôi đã trên 70 tuổi, kinh tế quá khó khăn nên muốn tách thửa để bán một phần đất lấy tiền xây nhà mới và chi tiêu hàng tháng, nhưng đến nay vẫn không thể tách thửa vì việc tự nguyện hiến đất làm đường không được cơ quan chức năng giải quyết. |
Cùng với đó, một số cán bộ cơ sở và người dân đề nghị cơ quan chức năng cấp tỉnh sớm tham mưu với UBND tỉnh sửa đổi Mục 5, Điều 4 của Quyết định số 04/2022/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 khi đưa ra yêu cầu thửa đất tách thửa đối với đất ở, đất phi nông nghiệp phải tiếp giáp đường giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền xác định. Về nội hàm, quy định như trên là phù hợp song trong thực tiễn lại rất vướng mắc vì nhiều thửa đất chỉ tiếp giáp với đường giao thông một phần rất nhỏ nên không đủ chiều rộng để tách thửa mới. Trước đây chủ sử dụng đất được phép hiến đất để có đường tách thửa nhưng sau khi Quyết định số 04/2022/QQĐ-UBND có hiệu lực thì việc người dân tự nguyện hiến đất làm đường cũng bị dừng lại...
Tài nguyên đất là nguồn lực để phát triển mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Do vậy, bên cạnh việc ban hành cơ chế, chính sách để quản lý, cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh nên tạo mọi điều kiện thuận lợi để quyền sử dụng đất thực sự là hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu cầu phát triển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin