Nhằm hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Văn Lăng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Đồng Hỷ tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh.
HTX bò Mông số 11 xã Văn Lăng hiện đã liên kết và thu hút 25 thành viên là các hộ nghèo tham gia lao động, chăm sóc và cung cấp cỏ cho đàn bò. |
Hội LHPN xã Văn Lăng hiện có 1.092 hội viên, tham gia sinh hoạt tại 13 chi hội. Những năm gần đây, Hội tập trung khai thác các nguồn vốn giúp phụ nữ phát triển kinh tế, như: Ủy thác với Ngân hàng CSXH, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương Hội và các tổ chức quốc tế... Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm; chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; trồng cây ăn quả; đầu tư chăn nuôi gà, dê, bò, lợn nái, lợn thịt, lợn rừng; xây dựng các mô hình trang trại tổng hợp... Qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn, giúp các hộ nghèo và hộ cận nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Điển hình như chị Nguyễn Thị Sen, sinh năm 1985, dân tộc Tày, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Tam Va. Vợ chồng chị Sen sinh được 3 người con, trong đó có 1 cháu bị khuyết tật bẩm sinh, phải có người chăm sóc thường xuyên. Gia cảnh khó khăn, chồng chị đi làm thuê bên ngoài nhưng thu nhập bấp bênh, đời sống chỉ trông vào mấy sào chè giống cũ.
Năm 2016, chị Sen được vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện Đồng Hỷ để trồng rừng và khai phá đất đồi, mua cây giống, vật tư trồng chè cành giống mới theo quy trình VietGAP. Nhờ nguồn thu ổn định từ đồi chè và rừng, đến năm 2021, gia đình chị đã thoát nghèo. Hiện nay, chị đang tiếp tục vay vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế.
Không chỉ tạo điều kiện và hướng dẫn hội viên đầu tư nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, Hội LHPN xã Văn Lăng còn tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia “Huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ vay vốn” để phát huy nguồn vốn tại chỗ. Hiện nay, nguồn quỹ tiết kiệm đã huy động được trên 200 thành viên các tổ tham gia gửi tiết kiệm, với tổng số dư trên 500 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tân Lập, chia sẻ: Các nguồn vốn chính sách hiện chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của tổ viên. Do đó, chúng tôi đã vận động hội viên phụ nữ tham gia huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ vay vốn để sử dụng luân phiên, xoay vòng, ưu tiên cho những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Hình thức vay là không tính lãi hoặc lãi suất thấp. Tổ tiết kiệm và vay vốn do tôi đang quản lý có dư nợ trên 1,8 tỷ đồng, số tiền huy động gửi tiết kiệm trên 87 triệu đồng, với 30 hộ được vay qua các chương trình. Chúng tôi luôn thực hiện đúng 6 công đoạn cho vay và công tác bình xét cho vay đúng đối tượng, không có tình trạng vay chung, vay ké, luôn công khai minh bạch rõ ràng về các khoản vay đã triển khai.
Nhờ quản lý tốt nguồn vay, đến nay, tổng các nguồn vốn do Hội LHPN xã Văn Lăng đang quản lý đạt trên 14 tỷ đồng, với trên 200 người vay. 5 năm qua, Hội LHPN xã đã giúp đỡ 18 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó có 15 hộ thoát nghèo.
Chị Thân Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Lăng, cho biết: Với một xã vùng cao, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, bình quân thu nhập chỉ đạt 24-25 triệu đồng/người/năm như Văn Lăng thì tấm gương những hộ thoát nghèo do phụ nữ làm chủ hộ càng trở nên trân quý. Đây cũng chính là những hạt nhân trong phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế" của địa phương. Để giúp bà con nhân dân trong xã có thêm động lực vươn lên phát triển kinh tế, chúng tôi mong muốn Ngân hàng CSXH nâng hạn mức cho vay sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn và vốn vay cho hộ cận nghèo...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin