Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống sản xuất nông nghiệp, anh Dương Văn Mạnh (sinh năm 1981), ở xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng (Phú Bình), luôn cần cù, chịu khó, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm giàu trên đồng đất quê hương.
Với 15.000m2 đất, anh Dương Văn Mạnh (ở xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, Phú Bình) tận dụng hết để trồng các loại rau, hoa. |
Đến gia đình anh Dương Văn Mạnh, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì gần như toàn bộ diện tích 15.000m2 đất đều được phủ kín bởi các loại rau, hoa và cây ăn quả; đường bê tông có chiều rộng từ 1-2m chạy quanh vườn, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản; các luống rau được làm cỏ sạch sẽ, đánh luống gọn gàng, thẳng tắp…
Anh Mạnh chia sẻ: Trước đây tôi từng có thời gian tham gia quân ngũ (2001-2004), biên chế về Lữ đoàn Pháo binh 382, Quân khu 1. Xuất ngũ trở về địa phương, tôi tham gia Hợp tác xã Điện năng Nhã Lộng (từ 2006-2014). Song song với làm công việc kế toán trong Hợp tác xã, tôi duy trì nghề trồng rau của gia đình. Được bố mẹ giao cho 3.000m2 đất để canh tác, tôi đã tận dụng hết toàn bộ diện tích đất để sản xuất rau, hoa các loại, kiếm thêm thu nhập. Một số hộ dân xung quanh bán đất ruộng, vườn, tôi mua thêm.
Cũng theo chia sẻ của anh Mạnh, để khai thác hết diện tích trên, anh đã chia đất ra thành từng khu để trồng các loại rau, hoa, cây ăn quả, cây dây leo… Đối với các loại rau, hoa ngắn ngày (mồng tơi, cải, xà lách…) anh tìm hiểu kỹ lưỡng thời gian sinh trưởng, phát triển và thu hoạch của từng loại cây để cân đối, bố trí trồng xen kẽ với cây dài ngày; tận dụng bờ rào để trồng cây dây leo; dưới chân bờ rào trồng rau ngót… Bên cạnh đó, trong các khâu làm đất, làm cỏ… anh cũng áp dụng cơ giới hóa để giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất.
Ngoài những kinh nghiệm có được từ gia đình trong trồng các loại rau, hoa, anh Mạnh còn tìm hiểu thêm kiến thức về trồng trọt trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia tập huấn về quy trình sản xuất rau an toàn do các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND xã tổ chức; tham quan, học hỏi thêm kinh nghiệm quy hoạch vườn, trồng rau kết hợp trồng hoa, cây ăn quả từ các nhà vườn trong và ngoài tỉnh…
Xác định trồng rau an toàn là hướng đi mang lại hiệu quả và thu nhập đáng kể, năm 2021, anh Mạnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng 300m2 nhà kính trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP và một số loại rau, hoa trái vụ.
Anh Mạnh cho biết: Khác hẳn với trồng rau theo phương thức truyền thống, khi trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà kính, tôi luôn tuân thủ quy trình về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng các loại phân bón nằm trong danh mục được phép sử dụng do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, còn hiệu lực; sử dụng nước giếng khoan, nước sông (sông Cầu) để tưới cho cây… giúp giảm những tác động của thời tiết và môi trường tới sự phát triển của cây.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, trung bình mỗi năm, anh Mạnh cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn rau, củ các loại, thu lãi trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, các loại hoa như cúc, thược dược, bất tử, sao nhái… cũng được anh trồng theo mùa (từ tháng 7 năm trước đến tháng 3 năm sau) cho thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng/năm.
Anh Mạnh chia sẻ thêm: Tôi sẽ quy hoạch lại vườn sao cho thật sạch, đẹp. Thay vì trồng các loại cây rau, hoa quen thuộc, phổ biến, tôi nghiên cứu và đưa thêm một số giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để làm một mô hình du lịch nông nghiệp nhỏ…
Ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhã Lộng, đánh giá: Anh Mạnh luôn tiên phong trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tao ra một mô hình tiêu biểu để hội viên Hội Nông dân xã học tập.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin