Trong tháng 5, hoạt động xuất khẩu hàng hóa phục hồi tích cực với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu quay lại đà tăng trưởng dương là cơ hội cho xuất nhập khẩu hàng hóa từ nay đến cuối năm.
Cơ hội xuất khẩu có thể mở rộng vào những tháng tới. |
Xuất nhập khẩu phục hồi
Những tháng đầu năm, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An liên tiếp nhận tin vui khi hàng loạt hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, vào tháng 4 vừa qua, Công ty cũng đã trúng thầu xuất khẩu 11.347 tấn gạo lức hạt dài sang thị trường Hàn Quốc với giá khá tốt, gần 600 USD/tấn.
"Số lượng và kim ngạch của chúng tôi vượt hơn 30%, như vậy xuất khẩu đạt tới con số từ trước tới giờ chưa có", ông Phạm Thái Bình vui mừng cho biết.
Gạo là một trong những mặt hàng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng thời gian qua, là một trong những động lực kéo theo tăng trưởng của xuất khẩu hàng hoá nói chung.
Theo Bộ Công thương, sau một thời gian gặp khó khăn, với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 phục hồi tích cực, tăng khá so với tháng trước (tăng 5,3%, ước đạt 55,86 tỷ USD) nhưng giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo đón tin vui. |
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,6%; nhập khẩu giảm 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Về xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 5, hoạt động xuất khẩu hàng hóa phục hồi tích cực với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước.
Tuy nhiên, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2023, hoạt động xuất khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn trong sản xuất và sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nên kim ngạch ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công thương, ở chiều ngược lại, nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm cũng ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của nước ta.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước..
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục xuất siêu khoảng 2,24 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 5 tháng năm 2023 là 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,24 tỷ USD), góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, hỗ trợ công tác điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá.
Cơ hội nào cho những tháng cuối năm
Dù còn nhiều khó khăn song kim ngạch xuất khẩu phục hồi đang là tín hiệu tích cực cho xuất nhập khẩu hàng hoá. Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, ghi nhận từ các doanh nghiệp trong ngành ở thời điểm này đều đang rất khó khăn, đơn hàng sụt giảm do sức cầu từ các thị trường lớn, truyền thống đều đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm, nhu cầu xuất khẩu thuỷ sản dự báo sẽ phục hồi tốt hơn. Cụ thể, nhu cầu thủy sản của Mỹ nhiều khả năng sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm và nhu cầu cao để phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40-50% trong nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc phục hồi không như mong đợi sau khi mở cửa hoàn toàn. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán VNDirect, Trung Quốc đã mở cửa hoàn toàn sau 3 năm thực hiện chính sách “Zero-covid” giúp nhập khẩu thủy sản của nước này tăng 13% trong quý I/2023.
Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công hàm số 105/CH-BNN-HTQT gửi Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề xuất xem xét bổ sung một số trái cây, loài, sản phẩm thủy sản và một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Nếu được thông qua, cơ hội xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với các mặt hàng này sẽ tiếp tục rộng mở.
Nhằm tiếp tục gỡ khó cho hoạt động xuất nhập khẩu, thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương đã, đang và sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Đặc biệt, quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.
Bộ Công thương còn thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, nâng cao tốc độ thông quan hàng hoá.
Tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ngoài ra, một trong những giải pháp trước mắt và trọng tâm trong thời gian tới là nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ. Đồng thời, có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin