Ngay từ những tháng đầu năm nay, ngành Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã có sự “bứt tốc” ngoạn mục với kết quả đón tiếp một lượng khách lớn, đạt doanh thu vượt trội so với cùng kỳ nhiều năm trước - ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chia sẻ.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại vườn hoa tam giác mạch của người dân xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ). Ảnh: N.N |
Bàn về sự “bứt tốc” mạnh mẽ của ngành Du lịch Thái Nguyên, ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết: Trong quý I/2024, ngành Du lịch tỉnh đón gần 1,2 triệu lượt khách tham quan, trải nghiệm, thưởng ẩm, so với cùng kỳ năm trước tăng gần 344 nghìn lượt. Trong đó, các khu, điểm du lịch đã đón, phục vụ gần 878 nghìn lượt khách tham quan, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; cơ sở lưu trú phục vụ gần 265 nghìn lượt khách, tăng 10%; công ty lữ hành phục vụ hơn 21,7 nghìn lượt khách, tăng 18%. Đặc biệt, có 3.650 lượt khách quốc tế, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước (chủ yếu là khách lưu trú tại các khách sạn).
Doanh thu 3 tháng đầu năm 2024 của ngành Du lịch tỉnh đạt 350 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, sau một thời gian tạm đóng cửa do dịch bệnh, từ năm 2023, các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng trưởng trở lại. Các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này đã thể hiện sức bật sắc nét, với lượng khách phục vụ trong năm 2023 đạt gần 2,5 triệu lượt, tăng gần 338 nghìn lượt so với năm 2022 (trong đó khách quốc tế đạt hơn 20 nghìn lượt, tăng gần 26%; khách nội địa trên 2,4 triệu lượt, tăng gần 15%).
Đánh dấu sự khởi sắc là các dịch vụ của ngành Du lịch từng bước đi vào chiều sâu, chất lượng được quan tâm. Số lượng du khách lưu trú qua đêm và sử dụng các dịch vụ tăng. Theo ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh: Từ năm 2023, các đơn vị thành viên của Hiệp hội đã có sự trở lại tích cực. Riêng các thành viên ở lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ đã đón tiếp, phục vụ hơn 961.500 lượt khách lưu trú qua đêm... Tổng doanh thu cả năm từ các hoạt động du lịch đạt hơn 2.144 tỷ đồng, trong đó có hơn 2.000 tỷ đồng thu từ khách nội địa, còn lại thu từ khách quốc tế.
Để đạt được kết quả này, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong, ngoài tỉnh; cung cấp danh sách và thông tin các điểm đến đẹp, đặc sắc của tỉnh để tích hợp vào ứng dụng Map 3D/360 TP. Hồ Chí Minh; triển khai chương trình “Happy Tết 2024” tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Tỉnh cũng đã chủ động tổ chức các hoạt động quảng bá điểm đến của Thái Nguyên tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Phan Thiết và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Cùng với đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, tư vấn điểm đến của tỉnh trên Website du lịch Thái Nguyên; Cổng du lịch thông minh và trên các mạng xã hội. 3 tháng đầu năm đã có hơn 2.000 nghìn lượt người được cán bộ chuyên môn thuộc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh tư vấn, kết nối, hỗ trợ khi tham quan, trải nghiệm tại các điểm đến của tỉnh.
Phụ nữ xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), bán nông sản cho du khách tại Điểm du lịch cộng đồng của xóm. Ảnh: T.L |
Chủ trương phát triển du lịch của tỉnh là hướng tới sự bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trong đó có đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và đội ngũ những người làm công tác du lịch.
Qua khảo sát của chúng tôi, các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đều chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bài bản, sẵn sàng đón tiếp, phục vụ du khách bằng các dịch vụ tốt nhất hiện có. Các cơ sở liên quan đến hoạt động du lịch đã chủ động sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, trang trí cảnh quan, quán triệt đến cán bộ, nhân viên phục vụ với tinh thần “Vui lòng khách đến, hài lòng khách đi”.
Hơn nữa, các thành viên trong Hiệp hội Du lịch tỉnh đã có sự gắn kết linh hoạt, tạo được tour, tuyến du lịch chất lượng cao, kể từ khâu vận chuyển hành khách, tham quan trải nghiệm điểm đến, các dịch vụ ẩm thực, lưu trú và mua sắm.
Để du lịch phát triển đúng tầm, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, tạo động lực cho Ngành phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Cùng với việc tổ chức ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng Việt Bắc, Đông Bắc và các tỉnh phía Nam, Ban Chỉ đạo thường xuyên có văn bản hướng dẫn cho các cấp, ngành liên quan và DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghiêm túc thực hiện những quy định chung của pháp luật; khuyến khích các khu, điểm du lịch đầu tư, làm mới sản phẩm du lịch; nâng cấp buồng, phòng, hướng dẫn cho nhân viên lễ tân có thái độ phục vụ lịch thiệp.
Giá các dịch vụ được niêm yết công khai, không “chặt chém” du khách; vận động các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch tham gia các chương trình kích cầu bằng cách giảm giá một số dịch vụ. Qua đó tạo uy tín tốt đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại Thái Nguyên...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin