Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều người dân trên địa bàn huyện Phú Bình đã có “cần câu” để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Để có kết quả đó, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng NHCSXH huyện đã triển khai nhiều giải pháp để đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng và được sử dụng hiệu quả.
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế rừng, năm 2020, gia đình anh Đinh Văn Thiện (ở xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành, Phú Bình) đã thoát nghèo. |
Năm 2016, gia đình anh Đinh Văn Thiện (ở xóm Đồng Bốn, xã Tân Thành, Phú Bình) được tạo điều kiện vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo của Ngân hàng NHCSXH huyện để trồng keo với diện tích 2ha. Sau gần 5 năm chăm sóc, gia đình anh khai thác gỗ và bán được gần 200 triệu đồng. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, năm 2020, gia đình anh thoát nghèo. Năm 2023, anh tiếp tục vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn mới thoát nghèo của Ngân hàng NHCSXH huyện để mở rộng diện tích trồng rừng thêm 1ha.
Gia đình anh Đinh Văn Thiện là một trong số hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Phú Bình được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Để chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng, thời gian qua, NHCSXH huyện đặc biệt chú trọng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện. Định kỳ 3 tháng/lần, NHCSXH huyện tiến hành giao ban với 4 tổ chức hội, đoàn thể để triển khai công việc của những tháng tiếp theo; nắm bắt và tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý vốn.
Trên cơ sở đó, các tổ chức hội cấp huyện sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức hội nhận ủy thác cấp dưới, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thường xuyên rà soát nhu cầu của nhân dân để kịp thời giải ngân cho vay, không để tồn đọng vốn. Đồng thời yêu cầu làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc nợ đến hạn và thu hồi nợ quá hạn.
Nhờ phát huy hiệu quả những “cánh tay nối dài” ở cơ sở, công tác quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Hiện, toàn huyện có 365 tổ TK&VV. Tính đến ngày 31/3/2024, dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể chiếm 99,97% tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, cán bộ NHCSXH cũng phối hợp với hội, đoàn thể của huyện kiểm tra, giám sát công tác quản lý vốn của tổ chức hội nhận ủy thác cấp cơ sở. Đồng thời rà soát các tổ TK&VV hoạt động chưa hiệu quả để củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Từ đầu năm đến nay, NHCSXH và hội, đoàn thể của huyện đã kiểm tra 7 lượt hội, đoàn thể cấp xã, 26 lượt tổ TK&VV, 66 lượt hộ vay vốn.
Để ngày càng nhiều người dân tiếp cận được với nguồn vốn và nâng cao ý thức sử dụng vốn hiệu quả, NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp với một số cơ quan báo chí của tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện xây dựng các tin, bài tuyên truyền; phát trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở…
Tại các điểm giao dịch ở xã, NHCSXH huyện niêm yết công khai các chính sách tín dụng đang triển khai, nội quy giao dịch… Thông qua các buổi họp giao ban, cán bộ NHCSXH phổ biến những nội dung, chính sách mới tới các tổ trưởng các tổ TK&VV.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng dư nợ của NHCSXH huyện là trên 603 tỷ đồng (tăng gần 3,5 tỷ đồng so với ngày 31/12/2023), với gần 15 nghìn hộ vay. Trong đó, các nguồn vốn cho vay có dư nợ đạt cao là: hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường… Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,02% tổng dư nợ.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình, cho biết: Để thực hiện tăng trưởng tín dụng đi đôi với chất lượng, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác rà soát nhu cầu vốn vay đến từng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ sở nhằm kịp thời nắm bắt hạn chế, khó khăn để tháo gỡ, cải thiện. Chúng tôi cũng đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân dễ dàng nắm bắt thông tin, chính sách cho vay vốn ưu đãi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin