Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được xây dựng nhằm phản ánh "bức tranh" tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương; là tổng hợp của 52 chỉ số thành phần được chia thành 16 nhóm, 7 trụ cột (gồm 5 trụ cột đầu vào và 2 trụ cột đầu ra).
Trong 52 chỉ số thành phần, có 2 chỉ số liên quan đến chức năng hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, đó là:“Tín dụng cho khu vực tư nhân” và “Vay tài chính vi mô”; đồng thời, đây là 2 chỉ số liên quan chặt chẽ đến triển khai các chính sách tín dụng trên địa bàn.
Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Nam Thái Nguyên cung cấp dịch vụ cho khách hàng. |
Tăng trưởng tín dụng an toàn
Ông Vũ Minh Xuân, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Là đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng tại địa phương, NHNN Chi nhánh tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhằm góp phần nâng cao 2 chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số PII, ngành Ngân hàng thực hiện một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả và toàn diện; đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng trên địa bàn khoảng 12%/năm (có điều chỉnh cho hợp lý).
Để đạt được mục tiêu đó, NHNN Chi nhánh tỉnh nỗ lực tìm giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng toàn diện, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân; chỉ đạo các tổ chức tín dụng quan tâm tăng trưởng tín dụng khu vực tư nhân, tập trung hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng. Trong đó quan tâm lãi suất cho vay; điều kiện và quy trình thủ tục cấp tín dụng; các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi... Năm 2023, NHNN giảm 4 lần lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5-2%/năm và đang tiếp tục duy trì mức lãi suất đến thời điểm này.
Hiện, NHNN Chi nhánh tỉnh đang triển khai thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (gói 30.000 tỷ đồng); gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng phục vụ xây dựng nhà ở xã hội; các chính sách tín dụng về nông nghiệp, nông thôn; chính sách lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên...
Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để kịp thời tháo gỡ. Nhờ đó, doanh số cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm qua đạt 40.091 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 19.259 tỷ đồng với 1.792 doanh nghiệp nhỏ và vừa còn dư nợ.
Nhằm cụ thể hóa các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS). Có 9 chi nhánh ngân hàng đã thực hiện HTLS cho khách hàng với doanh số cho vay là 4.849 tỷ đồng, dư nợ được HTLS 1.281 tỷ đồng, số tiền HTLS trên 26 tỷ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện HTLS đối với các khoản vay HTLS giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Lũy kế số tiền giải ngân trong thời gian thực hiện HTLS là 2.162 tỷ đồng, với 45.637 món, số tiền được thanh toán HTLS gần 42 tỷ đồng.
Triển khai hiệu quả vay tài chính vi mô
Đối với tín dụng vi mô, NHNN Chi nhánh tỉnh tập trung vào các trụ cột chính: Tập trung triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý, bền vững.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đã tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 tổ chức tài chính vi mô TNHH Tình Thương - Chi nhánh Thái Nguyên (dư nợ cho vay là 104 tỷ đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, tổng số 10.106 thành viên) và 3 quỹ tín dụng nhân dân (tổng dư nợ 289 tỷ đồng, chiếm 0,29% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, với 4.860 thành viên). Qua đó góp phần đưa các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng đến với khách hàng, đặc biệt là nhóm người nghèo, thu nhập thấp, người yếu thế...
Hiện nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 4.743 tỷ đồng, gồm hơn 110 nghìn khách hàng với 20 chương trình vay vốn. Hệ thống chính sách tín dụng ưu đãi không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từng bước nâng cao điều kiện sống.
Nhờ thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng trên địa bàn, NHNN tỉnh đã góp phần nâng cao 2 chỉ số thành phần của PII. Qua đó nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng toàn diện, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng, người dân và doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực nội tại, năng lực tài chính và sử dụng vốn hiệu quả. Bên cạnh đó là cần những chính sách tài khóa như ưu đãi về thuế, phí nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế; xúc tiến mở rộng thị trường và đẩy mạnh đầu tư công; tích cực huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin