Phú Thượng xây dựng cuộc sống ấm no

Hải Đăng 10:37, 11/06/2024

Thiên nhiên ưu đãi cho miền quê Phú Thượng cảnh quan hữu tình, cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số (Nùng, Tày, Dao…) làm mê đắm lòng người. Những năm gần đây, nhờ phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, Phú Thượng đã "cựa mình" khởi sắc, trở thành một trong những xã nông thôn mới (NTM) nâng cao của huyện Võ Nhai.

Kinh tế ngày càng phát triển, đồng bào các dân tộc ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Kinh tế ngày càng phát triển, đồng bào các dân tộc ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) có điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Về Phú Thượng, đứng dưới chân dãy núi Phượng Hoàng hùng vĩ, chúng tôi choáng ngợp và cảm thấy mình thật nhỏ bé. Có lẽ hơn 5.500 con người của mảnh đất này cũng cảm thấy như vậy - nhỏ bé trước thiên nhiên nhưng họ không khuất phục mà nỗ lực, cần cù, biết phát huy lợi thế nhằm phục vụ cuộc sống của chính mình. 

Một Khu du lịch sinh thái hang Phượng Hoàng; Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà; Bản truyền thống dân tộc Tày… đã được xây dựng khang trang, bề thế, thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nhiều nông dân ở Phú Thượng trước chỉ quen với việc đồng áng, nay đang dần thích ứng với việc làm du lịch.

Kinh tế nông nghiệp dần ổn định và phát triển, từng bước chuyển dần sang sản xuất hàng hóa. Tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng đã đem lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã tăng qua các năm, nếu như năm 2022 đạt 4.173 tấn thì năm 2023 tăng lên 4.205 tấn; sản lượng cây ăn quả đạt trên 850 tấn (tăng hơn 50 tấn so với năm 2022), đem lại nguồn thu nhập hơn 14,2 tỷ đồng/năm. Năm 2020, Phú Thượng đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 6/10 xóm đạt xóm NTM kiểu mẫu

Tuy nhiên, xã Phú Thượng còn một xóm đặc biệt khó khăn là Cao Biền, với toàn bộ 48 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số; 14 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo. Để giúp các xóm khó khăn phát triển, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc thực hiện các văn bản, chính sách dân tộc trên địa bàn xã đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để triển khai chương trình hỗ trợ, phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương. Đơn cử, xã đã triển khai Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

UBND xã thành lập Tổ sản xuất cộng đồng tại xóm Cao Biền và thực hiện Dự án chăn nuôi bò sinh sản, qua đó đã có 19 hộ nghèo, cận nghèo được cấp 19 con bò cái sinh sản và cải tạo, sửa chữa chuồng trại với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng.

Triển khai Tiểu dự án 4 thuộc Dự án 1: Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng, UBND xã đã thực hiện cấp nước sinh hoạt phân tán 30 hộ nghèo là dân tộc thiểu số. Triển khi Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí được cấp 200 triệu đồng. Qua đó đã tổ chức 9 hội nghị nói chuyện chuyên đề về việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài tại 9 xóm với sự tham gia của 630 người là dân tộc thiểu số; tổ chức hội thi: “Tuyên truyền pháp luật, chính sách đào tạo nghề - việc làm”…

Thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các xóm có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất…, qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao.

Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã ước đạt 58 triệu đồng/người/năm; 1.184 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt 93,8%; 9/10 xóm đạt danh hiệu làng văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,05%; hộ cận nghèo giảm còn 3,47%...