Điểm sáng công nghiệp FDI

X.H 10:48, 21/01/2023

Nhờ có môi trường đầu tư thuận lợi, năm 2022, Thái Nguyên tiếp tục duy trì ở Top 4 cả nước về giá trị xuất khẩu, đạt trên 32 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021; Top 4 về giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN), đạt trên 932 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong năm tỉnh đã thu hút trên 1,53 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng gần 7 lần so với cùng kỳ và đứng thứ 6 cả nước.

 

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Ảnh: CTV

Tăng trưởng từ vốn FDI

Xác định nguồn vốn đầu tư FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và của toàn ngành Công nghiệp nói riêng, liên tục trong 30 năm trở lại đây, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn trăn trở, tìm giải pháp để thu hút vốn FDI.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, thu hút dự án FDI đầu tiên với số vốn đăng ký dưới 1 triệu USD từ năm 1992, đến gần 20 năm sau tỉnh cũng chỉ thu hút thêm được khoảng 30 dự án với tổng vốn đăng ký gần 150 triệu USD. Gần một thập kỷ qua, kể từ khi thu hút được Tập đoàn Samsung đầu tư xây dựng “cứ điểm" sản xuất lớn nhất thế giới, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh tăng trưởng đột biến.

Nguyên Giám đốc Sở Công Thương Đinh Khắc Hiển nhớ lại: Nếu như năm 2013, giá trị SXCN cả tỉnh mới đạt trên 30,8 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 158 triệu USD, thì năm 2014, sau khi Tổ hợp Samsung Thái Nguyên đi vào hoạt động tại Khu Công nghiệp Yên Bình, “bức tranh” công nghiệp của tỉnh có đột biến: Giá trị SXCN đạt 160 nghìn tỷ đồng, tăng 640% so với cùng kỳ năm trước và bằng 334% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,2 tỷ USD, bằng 820% kế hoạch và nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu!.

Trong những năm gần đây, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư FDI luôn đóng góp lớn nhất, chiếm tỷ trọng từ 70-90% giá trị SXCN toàn tỉnh và quyết định tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Năm 2022, giá trị SXCN (theo giá so sánh năm 2010) khu vực kinh tế có vốn đầu tư FDI đạt trên 860,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ và chiếm tới 93% giá trị SXCN toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu đạt trên 31,4 tỷ USD, chiếm trên 97% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.

Cùng với các doanh nghiệp (DN) thuộc Tập đoàn Samsung, các DN FDI khác cũng có nhiều đóng góp quan trọng, như: Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo; Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên; Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội; Công ty TNHH Wiha Việt Nam; Công ty Mani Hà Nội...

 

Công ty TNHH Glonics Việt Nam (TP. Thái Nguyên) là một trong những doanh nghiệp FDI lớn tại tỉnh.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Văn Dương thông tin: Nếu như năm 2021, tỉnh cấp mới, điều chỉnh tăng vốn cho 30 dự án với tổng số vốn đăng ký 220,3 triệu USD, thì chỉ tính riêng 10 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh tăng vốn cho 20 dự án với tổng số vốn đăng ký 1.532,19 triệu USD. Trong đó, điều chỉnh tăng vốn cho 15 lượt dự án với tổng số vốn đăng ký 1.212,19 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 172 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký gần 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11 cả nước về thu hút vốn FDI...

Kỳ vọng năm 2023, sau khi các dự án trên đi vào hoạt động, Thái Nguyên sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) 8,5%, tăng trưởng giá trị SXCN 9,5% đã đề ra.

Tiếp tục tạo thuận lợi cho các DN

Đánh giá về môi trường đầu tư của tỉnh, ông Kim Sang Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV), chia sẻ: Từ năm 2021 đến nay, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, song giá trị sản xuất của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam vẫn ổn định, tăng trưởng tốt. Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Thái Nguyên được cải thiện đã tạo động lực, niềm tin cho lãnh đạo Tập đoàn. Do vậy, năm 2022, Tập đoàn quyết định tăng vốn đầu tư mở rộng Dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam với mức đầu tư tăng thêm 920 triệu USD (từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD). Đến nay, khối lượng xây lắp đạt khoảng 60%, dự kiến đến quý II/2023 Dự án sẽ chạy thử nghiệm theo đúng kế hoạch. 

 

Khu công nghiệp Yên Bình, nơi thu hút các dự án lớn của Tập đoàn Samsung.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Bá Chính, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN đầu tư, sản  xuất kinh doanh tại Thái Nguyên. Để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút nguồn vốn FDI, ngay trong năm 2022, tỉnh đã khởi động nhiều dự án lớn, có sức lan tỏa và tác động tích cực đến phát triển KT-XH của tỉnh và cả vùng như: Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang và Vĩnh Phúc; Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2; khánh thành Dự án xây dựng nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc... Đây chính là động lực quan trọng để Thái Nguyên hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Kết quả sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư FDI trong năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực phát triển KT-XH và hướng tới hoàn thành các mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025.

Trong năm 2023, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, ưu tiên thu hút vốn đầu tư FDI vào những dự án công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, những dự án lớn tạo đà tăng trưởng kinh tế. Đồng thời tập trung phát triển theo chiều sâu, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nội ngành; phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị hiện đại.

Đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh