Từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế thế giới tiếp tục biến động khó lường, lạm phát ở mức cao, quy mô đơn hàng giảm... Tuy nhiên, nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp sát với thực tế nên một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng từ 2-58%.
2 tháng đầu năm nay, sản lượng đá khai thác trên địa bàn tỉnh đạt trên 312 nghìn m3, bằng 93,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong ảnh: Sản xuất bê tông tại Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường. |
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại "guồng" sản xuất, kinh doanh với 100% công suất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang, Cục trưởng Cục thống kê tỉnh, cho biết: Nhìn chung, 2 tháng đầu năm nay, ngoại trừ ngành Khai khoáng có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt thấp (bằng 98,97% so với cùng kỳ năm 2022), các ngành còn lại như: Công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khí đốt và cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải... đều có mức tăng trưởng rõ rệt, đạt từ 5,5% đến 29,19%. Đặc biệt, một số lĩnh vực có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng cao so với cùng kỳ, như: Chế biến gỗ và sản xuất các sản phẩm từ gỗ tăng 57,97%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 88,5%; sản xuất thiết bị điện tăng hơn 16 lần...
Là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn về nguồn vốn, nguyên vật liệu để duy trì đà tăng trưởng.
Ông Trần Quang Tiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty, chia sẻ: Bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023, Công ty đặt quyết tâm tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm, khi thị trường thép xây dựng có chiều hướng khởi sắc hơn so với 2 quý cuối năm 2022. Trên 3.000 lao động trực tiếp của Công ty đã sản xuất “xuyên Tết”, nỗ lực vận hành hệ thống dây chuyền thiết bị, máy móc đạt tới 80-90% công suất.
Nhờ đó, trong 2 tháng đầu năm nay, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã sản xuất được 35.759 tấn gang lò cao, đạt 28% kế hoạch năm; sản lượng phôi thép đạt 68.752 tấn, bằng 34% kế hoạch năm; sản lượng thép cán đạt 136.999 tấn, bằng 18%; tổng doanh thu đạt trên 2.677 tỷ đồng, bằng 17%; nộp ngân sách Nhà nước gần 29 tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 23 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với cả năm 2022; bảo đảm việc làm cho trên 3.400 lao động với mức lương bình quân đạt trên 9,3 triệu đồng/người/tháng...
Qua 2 tháng đầu năm, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã tiêu thụ được 109.438 tấn thép cán. Trong ảnh: Sản xuất thép cán tại Nhà máy Cán thép Lưu Xá. |
Thông tin về tình hình sản xuất điện thương phẩm, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn Nguyễn Đình Tuấn cho biết: Nhờ thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là tập trung vận hành ổn định 2 tổ máy phát điện nên Công ty luôn đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tính đến cuối tháng 2/2023, Công ty đã sản xuất được 148.047 MWh điện, đạt 20% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt trên 210 tỷ đồng, bằng 22,1% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt trên 39 tỷ đồng, bằng 127,4%.
Để duy trì đà tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn hướng đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng năng suất, giảm chi phí và mở ra không gian phát triển mới. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Năm 2023, trước biến động của nền kinh tế thế giới và những khó khăn của ngành dệt may, Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào. Lũy kế 2 tháng đầu năm, Công ty đạt tổng doanh thu 771 tỷ đồng, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2022; bảo đảm việc làm ổn định cho trên 17.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, tại Thái Nguyên cũng còn một số doanh nghiệp có sản lượng đạt thấp trong sản xuất. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính bảng, camera truyền hình, Vonfram và sản phẩm của Vonfram...
Năm 2023, mặc dù nhận định tình hình trong nước và thế giới còn không ít khó khăn nhưng Thái Nguyên vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 9,5% so với năm 2022. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án sản xuất công nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn; giảm chi phí thủ tục, thời gian; sẵn sàng đối thoại và tháo gỡ khó khăn ngay từ khi phát sinh...
Đặc biệt, ngay sau Tết Nguyên đán, tỉnh đã tổ chức các đoàn cán bộ đến thăm, tiếp thu kiến nghị và động viên các doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm nay. Đây là động lực quan trọng giúp các doanh nghiệp vượt khó, tăng tốc.
Tính đến hết tháng 2/2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh tăng từ 2 đến trên 58% so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Than sạch khai thác đạt trên 269 nghìn tấn, tăng 14,2% so với cùng kỳ, bằng 17,94% kế hoạch năm; sản phẩm may đạt 17,1 triệu chiếc, tăng 6,54% so với cùng kỳ, bằng 15,81% kế hoạch năm; điện thương phẩm đạt 873 triệu kWh, tăng 5,93% so với cùng kỳ, bằng 13,43% kế hoạch năm... Đạt cao nhất là sản phẩm sắt thép các loại với 281,3 nghìn tấn, tăng 58,9% so với cùng kỳ, bằng 17,36% kế hoạch năm. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin