Sông Công "hút" dự án vào các cụm công nghiệp

Trịnh Phương 12:49, 04/02/2023

Với mục tiêu xây dựng địa phương trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, thời gian qua, cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, TP. Sông Công tập trung phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Qua đó góp phần khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân...

Cụm công nghiệp Nguyên Gon (TP. Sông Công) thu hút các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, may mặc, điện tử...

Theo ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế TP. Sông Công: Giai đoạn 2021-2030, thành phố được quy hoạch 5 CCN, với tổng diện tích trên 232ha, trong đó 4 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng, với tổng diện tích 118,15ha. Tổng vốn đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các CCN là trên 928 tỷ đồng, nguồn vốn đăng ký của các doanh nghiệp hoạt động (15 doanh nghiệp) trong CCN là 661 tỷ đồng.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, xác định phát triển công nghiệp có ý nghĩa quan trọng với địa phương, TP. Sông Công đã tạo môi trường đầu tư thuận lợi, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư vào CCN. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo sức hấp dẫn để huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng CCN.

Đến nay, trên địa bàn, CCN Khuynh Thạch có tỷ lệ lấp đầy đạt 55%, CCN Nguyên Gon tỷ lệ lấp đầy đạt 91%; CCN Bá Xuyên đang triển khai xây dựng hạ tầng; CCN Lương Sơn đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư (điều chỉnh ranh giới, đăng ký kế hoạch sử dụng đất, xây dựng phương án bồi thường, tái định cư...).

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại CCN Nguyên Gon, Công ty TNHH Doosun Việt Nam hiện có 5 nhà xưởng, với các dây chuyền sản xuất vỏ hộp điện thoại, bìa carton. Công ty đang giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động địa phương.

Sự hình thành và phát triển của các CCN trên địa bàn TP. Sông Công đã góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp của địa phương.

Theo ông Kang Bo Hyung, Tổng Giám đốc Công ty: Trong quá trình hoạt đông, doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía chính quyền địa phương. Năm 2018, Công ty đề nghị mở rộng quy mô sản xuất thêm 1,4ha và đã được các cấp, ngành chức năng của tỉnh, thành phố phối hợp giải phóng mặt bằng, bàn giao đất trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, cuối năm 2019, Công ty TNHH Doosun Việt Nam đã được UBND tỉnh chấp thuận là nhà đầu tư hạ tầng CCN Nguyên Gon, với số vốn 94 tỷ đồng. Hiện nay, chính quyền địa phương cũng đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp để hoàn thiện các thủ tục đề nghị mở rộng CCN thêm khoảng 20ha.

Để tăng tỷ lệ lấp đầy và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn, TP. Sông Công cũng từng bước đầu tư đồng bộ, tạo quỹ đất sạch để thu hút và tạo thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai dự án. Đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Minh Tuân - chủ đầu tư hạ tầng CCN Bá Xuyên, cho biết: Sau khi hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đơn vị đã tích cực phối hợp với cấp, ngành liên quan của tỉnh, TP. Sông Công trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng tại phần đất đã được bàn giao. Đến nay, CCN Bá Xuyên đã thực hiện giải phóng mặt bằng được trên 30ha trong tổng số 48,53ha. Qua đó, tạo quỹ đất sạch gắn kết với hạ tầng đồng bộ, thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn…

Có thể thấy, các CCN được hình thành ở TP. Sông Công có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm cho lao động.

Ngoài các CCN, TP. Sông Công còn có Khu công nghiệp Sông Công I và Khu công nghiệp Sông Công II đang hoạt động. Sự lớn mạnh của các khu, CCN trên địa bàn thời gian qua đã góp phần đưa kinh tế - xã hội của thành phố phát triển nhanh, mạnh.

Năm 2022, Sông Công thu hút được 5 dự án đầu tư mới vào Khu công nghiệp Sông Công I và Khu công nghiệp Sông Công II, với số vốn đăng ký 217 tỷ đồng và 30 triệu USD. Trong năm, trên địa bàn có 64 doanh nghiệp được thành lập mới; tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,9%…

TP. Sông Công phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lấp đầy tại các CCN đạt trên 90%. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, cùng với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, thành phố cũng tập trung giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời phối hợp với các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng CCN, đặc biệt là CCN Bá Xuyên và CCN Lương Sơn.

Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được thành phố quan tâm đẩy mạnh. Thành phố cũng tiếp tục gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện... Trong định hướng phát triển công nghiệp, TP. Sông Công cũng đồng thời chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng, giảm dần tỷ trọng các ngành gia công, sử dụng nhiều lao động...