Doanh nghiệp Phổ Yên dốc lực ngay từ đầu năm

Hoàng Cường 07:42, 08/02/2023

Năm 2023, TP. Phổ Yên phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đạt gần 925 nghìn tỷ đồng (tăng 81 nghìn tỷ đồng so với năm 2022). Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã nỗ lực sản xuất với quyết tâm cao, hy vọng gặt hái được nhiều thành công mới. 

Sản xuất sữa tươi tại Công ty CP Elovi Việt Nam (đóng chân trên địa bàn TP. Phổ Yên).

Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian gần đây, nhiều DN hoạt động trong các lĩnh vực may, phụ tùng máy... đã từng bước phục hồi. Một số đơn vị ký được nhiều đơn hàng sản xuất ngay trong quý I/2023.

Đơn cử như tại Công ty TNHH may Nam Thái Nguyên, ở phường Trung Thành (TP. Phổ Yên), những ngày này, hơn 100 lao động đang tập trung gia công khoảng 10 nghìn sản phẩm may để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ông Lê Văn Lịch, Giám đốc Công ty chia sẻ: Nhờ thị trường xuất khẩu hàng may mặc được phục hồi từ cuối năm ngoái nên Công ty đã ký được nhiều đơn hàng, với sản lượng trung bình đạt hơn 15 nghìn sản phẩm/tháng. Đây là sự khởi đầu tương đối thuận lợi để Công ty phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 170 nghìn sản phẩm may trong năm 2023, đạt doanh thu 12 tỷ đồng.

Là công nhân làm việc tại Công ty TNHH may Nam Thái Nguyên, chị Nguyễn Thị Huệ, Tổ trưởng Tổ may 1, phấn khởi: Công ty ký được nhiều đơn hàng giúp người lao động có đủ việc làm và duy trì thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, Công ty cũng thực hiện đầy đủ các chính sách về bảo hiểm xã hội, quan tâm chăm lo đời sống của người lao động bằng những hoạt động thiết thực. Đây là động lực để chúng tôi yên tâm gắn bó và cống hiến cho đơn vị.

May gia công tại Công ty TNHH may Nam Thái Nguyên (ở phường Trung Thành, TP. Phổ Yên).

Khác với nhóm ngành có dấu hiệu phục hồi và từng bước khởi sắc trở lại như may mặc, một số nhóm ngành SXCN như vật liệu xây dựng, cơ khí, linh kiện, phụ kiện điện tử... hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường trong nước và thế giới. Nguyên nhân là do tình trạng thiếu hụt xăng dầu; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu.

Theo ông Khúc Văn Huy, Phó Giám đốc Công ty CP kết cấu thép và xây dựng Tân Khánh (trụ sở tại phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên) - đơn vị chuyên thiết kế, sản xuất, thi công kết cấu thép, các loại khung nhà thép tiền chế, tấm lợp kim loại: Trước những khó khăn chung, nhiều DN đang phải tìm cách hoạt động cầm chừng, hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh. Điều này làm ảnh hưởng đến lượng đơn hàng đối với các DN chuyên sản xuất, thi công kết cấu thép. Tuy vậy, năm 2023, Công ty vẫn quyết tâm phấn đấu sản xuất, thi công 3.000 tấn thép, doanh thu đạt 90 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2022. Với những giải pháp tích cực nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất, trong quý I/2023, Công ty đã ký được một số đơn hàng với sản lượng đạt trên 700 tấn thép.

Còn với các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, tuy gặp một số khó khăn vào thời điểm đầu năm, song các DN đã có nhiều giải pháp thích ứng phù hợp. Như tại Công ty CP gạch Prime Phổ Yên (chuyên sản xuất gạch ốp lát), nhận định hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm nay sẽ khó khăn, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp như: tập trung đầu tư thiết bị máy móc sản xuất để tăng năng suất lao động và giảm chi phí đầu vào; mở rộng thị trường, chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động; bảo đảm tiền lương, các chế độ, chính sách cho người lao động... Theo đó, năm 2023, Prime Phổ Yên phấn đấu sản xuất và tiêu thụ trên 10 triệu m2 sản phẩm, tăng 10% so với năm trước.

Từ thực tế có thể nhận thấy, bước sang năm 2023, bên cạnh những thuận lợi, các DN sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu giá trị SXCN - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng năm 2023, Phổ Yên cần sự nỗ lực lớn.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội DN TP. Phổ Yên, cho biết: Với vai trò tạo liên kết, hỗ trợ các DN hội viên trên địa bàn về phát triển sản xuất - kinh doanh, thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương nội bộ; chia sẻ kiến thức quản trị kinh doanh, nhân sự; phát huy các sáng kiến về cải tiến kỹ thuật... Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ tạo cầu nối giữa DN với các cấp chính quyền địa phương nhằm đề xuất những giải pháp hỗ trợ DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Cụ thể như: đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng; giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm xã hội cho DN...